Ems' Review

[Ems’ Review] Người truyền ký ức – Lois Lowry

Nếu có ai đó từng trải qua nỗi đau mất người thân hay một vài lần tan vỡ trong tình yêu, hay chỉ là tổn thương hay mất mát mà chẳng thể nói thành lời, ắt hẳn sâu trong thâm tâm mình, ai cũng mơ ước thế giới bỗng nhiên không có đau khổ, không mất mát, không lo âu, không căng thẳng… đại loại là một thế giới không bị điều khiển bởi cảm xúc. Đó là thế giới của Jonas, qua bàn tay nhào nặn điêu luyện của Lois Lowry. Phải có một lí do nào đó mà câu chuyện của bà mới được sử dụng giảng dạy trong chương trình ngữ văn cấp phổ thông ở Mỹ. Nhưng đồng thời, nó cũng bị cấm ở một số bang ở đất nước nổi tiếng về sự tự do như Mỹ.

Cậu bé Jonas sắp bước sang độ tuổi Mười Hai, đang mơ mộng ngày lễ trưởng thành của mình – một thủ tục được tổ chức mang tính nghi thức – Lễ Mười Hai, nghi thức dành cho những đứa trẻ ở tuổi mười hai được lựa chọn những nghề nghiệp tùy theo khả năng và tư chất của mình. Lúc đó, người đọc mới nhận ra rằng, ở nơi đó, cuộc đời của những con người này, được định đoạt từ Lễ Đặt tên, rồi những lễ xếp theo từng độ tuổi. Cuộc đời Jonas tưởng chừng như hoàn hảo: một gia đình hoàn hảo, một đứa em gái dễ thương, những người bạn thân thiết, kể cả việc rung động đầu đời rất ngây thơ dành cho cô bạn Fiona… Mọi chuyện bắt đầu sau khi cậu được chọn vào công việc của người Truyền Ký ức. Jonas những tưởng đó là công việc bình thường như bao công việc khác như cha mẹ cậu đang làm (thật kỳ lạ khi tưởng tượng loài người trưởng thành không được phép chọn bạn đời, nhưng vẫn phải sống cùng người khác để xây dựng những gia đình cho những đứa trẻ không phải do mình sinh ra, có vẻ chủ nghĩa không tưởng về một xã hội hoàn hảo mà loài người luôn mơ ước chính là đây) – đây chính là cú twist khiến người đọc hồi hộp nhất. Nắm giữ ký ức chính là nắm giữ cảm xúc: những vui buồn giận dữ, đau khổ, hạnh phúc, thậm chí là đói khát – cảm giác mà Jonas chưa bao giờ trải qua (ở cộng đồng của cậu, thức ăn sẽ được đưa đến giờ ăn), cái lạnh của tuyết, cái ấm của lò sưởi, và cả màu sắc khác. Cậu chưa từng nhìn thấy cầu vồng. Khi người tiền nhiệm truyền cho cậu những ký ức về chiến tranh, rồi hình ảnh về một trong hai đứa trẻ sinh đôi bị phóng thích (một nghi thức xem như loại trừ những thành viên không đủ tiêu chuẩn ra khỏi cộng đồng – cách nói khác của việc tử hình) dưới tay của cha cậu, một cách lạnh lùng đầy nhẫn tâm (đọc đến đây chắc hẳn ai cũng hiểu ra tại sao tác phẩm này bị cấm vì chúng chứa đầy tính nhân văn nhưng vẫn gieo cho người đọc bằng những hình ảnh vô nhân đạo) thì mọi thứ trong con người Jonas trở nên vỡ vụn, bởi cậu có những thứ người khác trong cộng đồng cậu không hề có: Ký ức.

Ký ức, gắn chặt con người với mọi thứ tồn tại xung quanh cuộc sống của mình.  Đó chính là cách thế hệ trước truyền cho thế hệ sau: những kiến thức, kinh nghiệm sống, nỗi sợ hãi… đây cũng là cách loài người chúng ta tồn tại. Thế nhưng hãy thử tưởng tượng loài người bị cướp mất hoàn toàn những ký ức. Thế giới của Jonas đang sống đồng nhất theo mọi nghĩa như thế, những thứ khó chịu không hề tồn tại: chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật, cha mẹ quở mắng vì điểm thấp, kể cả những rung động của đầu đời… Sẽ chẳng có gì còn lại ngoài những xác chết biết đi và trống rỗng. Cảm xúc chính là điểm yếu của loài người, nhưng cũng là điểm mạnh nhất của giống loài này. Không có ký ức sẽ không có cảm xúc. Không có cảm xúc thì không điều gì ý nghĩa, nhưng không có cảm xúc khiến con người thành những sinh vật hoàn hảo, y như thuyền phó Spock trong Star Strek*, thông minh hoàn hảo nhưng lại không có cảm xúc. Sự hoàn hảo cũng là hiện thân cho sự khiếm khuyết, nhưng không đồng nghĩa với tình yêu thực sự, mà là nỗi đau thật sự. Nỗi đau thật sự là khi chúng ta không thể và không cảm nhận được tình yêu thương từ đồng loại của mình. Quyển sách chính là bài học sâu xa nhất về tình yêu thương mà nhân loại hướng đến, nhưng cũng là quyển sách mang tính phi nhân nhất mà chúng ta cùng suy ngẫm, nhất là trong thời đại chủ nghĩa nhân văn lên ngôi.

*Star Trek (Du hành giữa các vì sao) là một thương hiệu truyền hình thuộc thể loại khoa học viễn tưởng của điện ảnh Hoa Kỳ dựa trên loạt phim truyền hình được sáng tạo bởi Gene Roddenberry. Các tập phim truyền hình đầu tiên, thường được gọi đơn giản là Star Trek và ngày nay thường được gọi là loạt phim truyền hình gốc, loạt phim này ra mắt năm 1966 và phát sóng trong 3 mùa trên đài truyền hình NBC. Bộ phim xoay quanh các chuyến thám hiểm giữa các vì sao của thuyền trưởng James T. Kirk (William Shatner) và phi hành đoàn của ông trên phi thuyền USS Enterprise, đây là một tàu thăm dò không gian, được thiết kế bởi một hiệp hội liên kết giữa các vì sao với tên gọi là United Federation of Planets ở thế kỷ thứ 23.

Leave a Reply to Anonymous Cancel reply

Your email address will not be published.