Tôi tìm quyển sách này trong lúc đi tìm kiếm cái giọng điệu văn chương nào đó khiến tôi phải suy ngẫm như lúc tôi đọc Murakami. Và tất nhiên, Murakami và Ishiguro chẳng có gì tương đồng nhau ngoài việc cùng là người Nhật và cùng dựng nên cái thế giới giả tưởng trong văn chương của mình. Cái thế giới khiến người ta không ngừng suy ngẫm: “Liệu nó có thật rồi sao?”
“Đừng mãi xa tôi” – tên tiếng Anh là Never let me go – quyển tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh (do ông người Anh gốc Nhật) – trong bối cảnh của nước Anh những năm 60. Truyện chính là hình ảnh trong thế giới của Kathy – một học sinh lớn lên ở trường nội trú của Hailsham cùng hai người bạn thân của mình: Ruth và Tommy. Mở đầu câu chuyện, Kathy kể rằng mình là “người chăm sóc”, rồi cô dẫn chúng ta ngược về những ký ức của cô khi còn là một đứa trẻ.
Giọng văn của Ishiguro đều đều, như thể chúng ta đang nghe một cô bé kể những câu chuyện vặt vãnh không đầu không cuối. Không có cao trào, cũng không có nút thắt, chỉ có những chi tiết được cài cắm như thể là những mảnh ghép được tác giả cố tình rắc trên đường đi, làm người đọc nhầm tưởng mình sẽ lắp được một bức tranh nào đó. Cái cảm giác tò mò, háo hức đan xen hụt hẫng, tiếc nuối, lẫn đau đớn cho đến khi chúng ta gấp quyển sách lại.
Trong ký ức của Kathy, Ruth là cô bạn thân thiết trong khu nội trú của cô. Ruth dịu dàng, sắc sảo nhưng Ruth không hoàn toàn hợp tính với Kathy – một người cũng sâu sắc, thông minh nhưng sự khát khao và tò mò với mọi sự việc xung quanh khiến Kathy nổi bật trong mắt những người khác, kể cả những giám thị làm việc trong Hailsham. Hơn hết, Kathy đặc biệt trong mắt Tommy, một cậu bé nổi loạn, cá tính bốc đồng, đôi lúc có những phản ứng không giống những đứa trẻ bình thường khác – nếu không muốn nói rằng cậu bất thường. Tommy luôn quan tâm Kathy theo một cách thầm lặng nhất, và tình yêu mà cậu dành cho Kathy lớn dần theo năm tháng.
Trong những tháng năm còn học ở Hailsham, Tommy đã từng gặp một vài sự kiện: đầu tiên là việc cậu không thể vẽ như các bạn của mình, dù là bức tranh đơn giản nhất (mỗi tháng, một nhân vật được gọi là Madame đến để lấy hoặc mua những bức tranh của các học sinh) – Tommy đã gần như nổi điên khi bị mọi người cười chê vì không vẽ được bức tranh ra hồn; thứ hai là cậu bắt gặp giám thị – cô Emily ngồi khóc tức tưởi; thứ ba là khi Kathy đang tận hưởng bản nhạc “Never Let me go” – Madame đã bắt gặp cô bé – lúc đó cô bé đang nghe bản nhạc như thể cô bé đang tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc của thế giới tươi đẹp này, mãi sau này bà với thú nhận với Kat và Tommy rằng:
“Tôi khóc vì một lý do khác. Khi tôi quan sát em múa lần đó, tôi thấy một điều khác. Tôi thấy một thế giới mới đang đến nhanh chóng. Khoa học hơn, hiệu quả hơn, thì đúng. Nhiều cách chữa hơn cho những căn bệnh trước kia. Hay lắm. Nhưng là một thế giới nghiệt ngã, độc ác. Còn đây tôi thấy một cô bé, mắt nhắm tịt, ghì chặt vào ngực mình cái thế giới tử tế và nhân hậu trước kia, cái thế giới mà trong thâm tâm cô biết rằng không thể còn lại nữa, cho nên cô ghì chặt nó vào lòng, cầu xin đừng bao giờ để cô xa nó…”
Thời điểm quyển sách ra đời là năm 2005, sau hai năm khi con cừu nhân bản – thú có vú đầu tiên được nhân bản từ tế bào somatic trưởng thành – qua đời theo cách an tử tại phòng thí nghiệm, chú được đặt tên là Dolly. “Các học sinh” mà Ishiguro nhắc tới chính là những đứa trẻ được nhân bản trong phòng thí nghiệm. Chúng không có gia đình, họ hàng, chúng được nuôi dưỡng và lớn lên chỉ để dành hiến tạng cho những con người khác – được phép là người sống khỏe mạnh – thế giới mà những căn bệnh ung thư được chữa khỏi, chiến tranh cũng đã đi qua,… mọi thứ đều bình yên hơn, hiện đại hơn, khoa học phát triển hơn thì liệu con người có nhân văn hơn như cái cách chúng ta luôn tâm niệm? Ishiguro xây dựng những thế giới giả tưởng nhưng rất thật, thật trong tâm tưởng của từng con người hiện đại – xây dựng một xã hội thượng đẳng bằng cách chà đạp những sinh vật khác – những con người được tạo ra bằng cách nhân bản. Quyển sách không chỉ đặt ra cho chúng ta góc nhìn khác rộng hơn về tình người mà còn về giá trị đạo đức của xã hội, giữa việc lựa chọn tiến bộ của khoa học và lòng yêu thương đồng loại của mình.
Tôi vẫn nhớ mãi câu nói này trong quyển sách “We didn’t have a gallery in order to look into your souls. We had the gallery to see if you have a soul at all.” Câu nói này đặt cho chúng ta một câu hỏi chung nếu nhân bản một con người thì liệu chúng có “cái tôi” không, có tâm hồn, có tình yêu hay không? Và thật may mắn chú cừu Dolly đã chết, và vì vấn đề đạo đức chúng ta sẽ không có những Ruth, Kathy, và Tommy trên đời.
Điểm nhấn trong tác phẩm này chính là tình yêu của Tommy và Kathy trong suốt hành trình của hai người. Tình yêu đó thầm lặng, tuyệt vọng và day dứt cho đến ngày cuối cùng Kat nhìn thấy Tommy, khi cậu gần kề lần hiến cuối cùng.
“Anh cứ nghĩ mãi về một dòng sông ở nơi nào đó, nước chảy rất xiết. Rồi có hai người đang ở dưới nước, cố ôm chặt nhau, ôm riết nhau hết sức bình sinh, nhưng rốt cuộc cũng không giữ nổi. Dòng nước quá mạnh. Họ đành rời nhau ra, trôi mỗi người một ngả. Anh nghĩ về chúng mình như vậy đó. Thật đáng tiếc, Kath ạ, bởi chúng mình đã yêu nhau suốt đời. Nhưng rốt cuộc chúng mình cũng không thể ở bên nhau mãi mãi.”
Số phận trớ trêu khiến hai người không thể nào bên nhau, nhưng cũng không thể thay đổi được điều gì. Khi Ruth đã xong hẳn, Tommy đã ra đi, chỉ còn mình Kathy đứng lặng nhìn hàng rào kẽm gai chỉ còn vương những rác vụn, Kathy thấy lòng mình trở nên tĩnh lặng đến kỳ lạ. Cô trái ngược với Tommy trong việc kêu gào trong bất lực, càng không giống sự cam chịu của Ruth – cô biết những gì mình sắp trải qua, cô im lặng chấp nhận số phận vốn đã an bàn với những “người” như mình. Cuối cùng, những người như Kathy tồn tại không vì điều gì cả, thứ duy nhất còn lại trong cô chính là ký ức: ký ức về Tommy, về Ruth, về Hailsham,… như những mảnh rác vì gió mà bám lấy hàng rào kẽm gai.
Gấp quyển sách lại, dù tiếc nuối hay đau xót cho số phận từng nhân vật thì vẫn có gì đó ở tôi được xoa dịu. Có ai đó đã dừng tay lại.