Ems' Stories

[Drabble] Một ngày đẹp trời

Một ngày đẹp trời, bỗng nhiên bạn nhắn tin cho nó, chỉ để mời vợ chồng nó qua nhà ăn trưa. Nói từ “mời” cho thấy bản thân mình được tôn trọng vậy thôi, chứ đâu ai thấy sự tôn trọng nào qua cái tin nhắn chỉ vỏn vẹn vài từ, đến tiền một cuộc gọi người ta còn cảm thấy tiếc với nhau mà, dù nhà bạn với nhà nó cách nhau vài bước chân, nín thở một hơi là đã gặp nhau rồi. Vợ nó thở dài ngao ngán: “Chắc là thông báo với mình là đi Mỹ đó.” Nó ậm ừ cho qua, im lặng là cách giữ hạnh phúc gia đình tốt nhất, hoặc là sợ mình lại nói đúng, từ cái việc “ông Trump ở Mỹ đắc cử tổng thống” đến “đến Titanic còn chìm mà, nhiều thằng ngu ở trên một con tàu còn chìm nữa là, huống chi cái công ty gì xiêu vẹo như cái xuồng ba lá đó anh.” Phụ nữ gì mà lắm lời, mà nói đâu lại trúng đó. Rõ là chán.

Bạn đi Mỹ thiệt. Trúng phóc lời vợ nói. Mặt nó đỏ lự vì bất ngờ, chẳng phải vì chuyện thằng bạn nối khố theo vợ sang Mỹ, mà là tức giận sao mà mình cưới ngay con vợ nói đâu trúng đó. Chắc chiều nay đi mua Vietlott cả triệu, bắt vợ lựa xem có trúng độc đắc không, để còn đổi đời với người ta. Mỹ là cái xứ gì không biết mà làm người ta mơ mộng đến gần như hoang tưởng về một miền đất hứa chỉ có giàu sang, rồi sung sướng thôi. Mỗi ngày báo chí giật tít giá vàng tăng không điểm dừng, giá đất thì lúc trồi lúc sụt nhưng người làm văn phòng thì không phải ai cũng mơ và có được một căn nhà của mình, chỉ có đồng đô la thì luôn ổn định, đôi lúc còn tăng nhẹ, nhưng có vẻ dễ mua hơn vàng nên người ta mới bỏ hết sự nghiệp, quê cha đất tổ rồi mang vác vợ con sang đó.

 “Mày qua đó làm gì ăn?” Nó bần thần hỏi bạn khi men bia bắt đầu chếnh choáng,  kế bên là con vợ nhìn bạn nó với ánh mắt “chuyện ngu vầy mà cũng nghĩ ra được à?”

“Tao cũng chưa biết nữa.” Bạn ngập ngừng, giọng nói ấp a ấp úng như một đứa trẻ đang trả lời phụ huynh về lý do bị đuổi học. “Tao đi du học.” Cuối cùng bạn hùng hổ kết luận, mắt không rời khỏi vợ nó như thể xem mình có nói sai gì không. Cuộc nói chuyện không có vẻ gì là mạch lạc cho lắm, đôi lúc bạn trả lời nó như thể đứa học trò quên mất câu chữ, đọc tới chữ đó rồi quên chữ tiếp theo là gì, thành ra quên sạch những gì phải trả. Hoặc giả mấy cuốn sách self-help dạy bạn đến hư người, chỉ cần trả lời những câu cho thật đao to búa lớn thì sẽ khiến đối phương nghĩ mình biết hết mọi sự trên đời, đôi lúc chúng ta phải sống theo kiểu “mặt dày tâm đen” thì mới kiếm được nhiều tiền, tiền đô thì càng tốt, chớ tiền Việt thì nhằm nhò gì. 

“Mày đi du học theo diện gì?” Vợ nó bình thản hỏi. Sao cái người này luôn nói những thứ mình nghĩ vậy kìa? Giờ tới lượt mặt bạn lúng la lúng túng như gà mắc phải sợi dây thun rồi quay đi tìm vợ mình với ánh mắt cầu cứu. “Thì mày đi học Community College hay University?” Vợ nó cười cười, nhưng ánh nhìn thì khinh khỉnh. Phải chi ngày xưa bạn đừng ngứa miệng chọc tức cái người suốt ngày cắm mặt cắm mũi vô mấy quyển sách “đọc sách riết bị điên đó.” Cũng phải, đọc nhiều sách quá làm chi, để khi nói đâu thì trúng đó, mà trúng gì thì nó không biết, trúng nhiều cái khiến người ta không thốt nên lời.

Con gái bạn từ trên lầu đi xuống mặt mày phụng phịu, cái gì cũng có (trừ nét dễ thương của một đứa nhỏ), cái gì cũng biết (trừ việc biết vợ chồng bạn là ai), tinh khôn và cá tính (như lời ba mẹ nó tự hào về bốn con số một thần thánh – cái mà nó nghĩ hoài không biết đó là cái gì mà phụ huynh thời nay tin sái cổ). Con bé né tránh ánh nhìn của mọi người xung quanh, mỗi khi tròng đen của ai đó ngó tới là nó khóc toáng lên. Bạn chẳng biết nó là gì, nhưng cũng vội mừng thầm vì con mình chắc mẩm là thiên tài. Bởi mới nói, đâu phải sách nào nói cũng đúng, sách chỉ dạy bạn lạc quan chớ nào dạy bạn kiến thức, để biết lúc nào cần lạc quan, lúc nào cần bất an. Đôi lúc, con người ta cần chiều sâu mới bất an được. Lại chẳng cần phải bàn, “cuốn Mặt dày tâm đen” dạy người ta sai bét!” Vợ nó vừa quăng cuốn sách vô góc nhà vừa phàn nàn.

Bạn nó đi rồi, nó cũng chẳng màng ra tiễn. Đâu phải nó chưa từng chia tay người thân khi họ sang đất nước khác đâu. Dạo trước, chị họ của nó cũng lấy chồng rồi theo sang đó để định cư; thằng bạn thời đại học cũng khăn gói sang đó du học. Người nhà hay cô người yêu khóc đỏ mắt ở sân bay, rồi đâu cũng vào đó; ba mẹ chị thì sang thăm đôi ba lần; cô người yêu khóc sướt mướt rồi cũng lấy chồng sau bốn tháng (chắc là lúc đó khóc vì mừng?). Đời mà, có nhiều cuộc chia ly chỉ cần người ta nhớ tới là đau thấu xương, còn có cái nghĩ thôi đã không muốn nghĩ nữa. Nó chỉ nhớ lần hỏi bạn đi Hà Nội tập huấn vui không vì đâu ai biết rằng bạn nói láo; nó chỉ nhớ lần thông báo hoành tráng là đi du học thật ra là đi du lịch, chỉ để kiếm tiền rồi tính tiếp, người ta cho phép mình ở lại thì mình ở lại, còn đâu thì là neo đậu, chừng nào bị trục xuất về thì tính tiếp. Nó càng nhớ rõ câu chuyện truyền cảm hứng, lý do tại sao bỏ xứ đi, y chang nó là thầy giáo nghe đứa học trò viện cớ cho cái chuyện hỏng học bài. Người ta thích nói dối là do mình thích nghe, nhưng cái cảm giác nghe người ta nói dối mà mình biết sự thật khiến nó bị nghiện, vì lắm lúc nó thấy mình như đang đứng từ trên cao nhìn xuống. Cuối cùng, bạn nó cũng đi, nó chẳng nhớ những gì bạn nó làm, rồi quên luôn cái thời đi học, cái thời cùng nhau trắng tay mà mơ ước làm ăn lớn, thứ còn sót lại là nụ cười mỉa mai của vợ bàng quang hơn cả lời nói dối của bạn nó “Em nhìn người có sai bao giờ đâu.”

Vài tháng sau, vợ gửi cho nó một video cái tiệm làm móng ở cái xứ nào đó xa xôi, nhìn mãi mới ra cái người mang đôi giày thể thao đang cặm cụi rửa chân cho người phụ nữ béo phệ ở phía trên. Nó nhận ra bạn nhưng cũng chỉ tặc lưỡi một cái “Chắc làm ăn lớn là vậy.” Đôi giày thể thao là để chạy bộ, chớ mang giày mà ngồi đó, đầu cúi xuống thì vẫn như bao người. Bạn ở đây, quần áo thẳng thớm, giày tây giày ta đủ kiểu, mở miệng ra là bàn chuyện tiền tỉ, ra đường gặp ai mũm mĩm là cười mỉa mai sao không biết chăm sóc bản thân mình; ai bạn cũng đủ quyền ý kiến, từ vợ nó – phụ nữ gì “tâm hồn treo ngược cành cây” đến vợ đồng nghiệp – “phụ nữ gì mà hôi nách quá.” Không biết giờ này bạn nó có ngước lên nhìn bà kia rồi phán “phụ nữ gì mà ăn nhiều chi cho mập quá vậy?” 

“Được cái về đây thì được gọi là Việt Kiều.” Nó nói với vợ trong lúc hai vợ chồng tản bộ ở công viên gần nhà.

“Bạn em đi du học về dẫn đi khắp dòng họ thì bị nói ‘trưởng giả học làm sang”, còn bạn anh đi làm móng về nước chắc được gọi là Việt Kiều vinh quy bái tổ.” Mắt vợ liếc xéo không trật phát nào. Bởi mới nói, hôn nhân gì mà lạ. Hai vợ chồng vừa đi vừa bàn tán như thể chuyện thiên hạ. Bạn đi chưa được nửa năm, nó đã không còn như trước, huống chi cúi mặt cắm đầu như bạn lúc ngẩng lên thì còn gì nữa đâu mà thấy.

Vợ là nhà văn, hay viết mấy thứ linh ta linh tinh chẳng đâu vào đâu, chưa kể cái việc hay trợn to mắt nhìn người đối diện. Đôi lúc nó thở dài nhưng chẳng thay đổi được gì, kệ, nó hay nghĩ vậy, vợ hay nói nhưng được cái nói đúng vẫn hơn những người nói xằng nói bậy ngoài kia. Ngày bạn đi, vợ đưa ra xấp giấy trước mặt:

“Tản văn em mới viết.” Nụ cười như thể đứa con nít mới giấu được thứ gì đó hay ho lắm. Tản văn gì mà tả đúng người đúng việc như thể chửi vô mặt người ta. Nó đọc xong rồi lắc đầu:

“Văn em viết gì bạc quá!”

“Chữ thì có gì mà bạc hả anh, lòng người mới bạc chớ!” Vợ lại cười cái điệu cười khinh khỉnh. Đúng rồi, người mới bạc, lần cuối cùng gặp nhau cũng là lời nói dối, thì biết khi nào người nói thật. Nhưng nghĩ đến lời chia tay, cha mẹ không biết có nhận được chào tạm biệt thật lòng từ đứa con của mình không, nói chi đến thằng bạn thời nối khố như nó. Vợ lại nói đúng, chữ làm gì bạc, người mới bạc; Mỹ hỏng có gì tệ, chỉ người mới tệ vậy!

Leave a Reply

Your email address will not be published.