Ems' Review

[Ems’ Review] Cô gái mất tích – Gillian Flynn

Tôi vẫn nhớ lần đầu xem bộ phim “Cô gái mất tích” được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Gillian Flynn vào năm tôi 23 tuổi. Lần thứ hai tôi đọc sách – phiên bản tiếng Việt lúc một người quen của tôi chuẩn bị lập gia đình. Và lần thứ ba, tôi cũng đọc quyển sách này – phiên bản tiếng Anh lúc chính bản thân tôi chuẩn bị lập gia đình. Cả ba lần dù tôi mục sở thị tác phẩm này, tôi cũng chỉ có cùng một cảm giác: Nếu bạn muốn tình yêu của mình mãi màu hồng, gia đình của bạn mãi là một gia đình kiểu mẫu thì đừng bao giờ giới thiệu bạn trai/bạn gái; vợ/chồng sắp cưới của mình về tác phẩm này, chí ít nó cũng làm bạn tự hoài nghi chính bản thân mình. Nó là một cú tát thẳng và thật cho những ai tin vào hôn nhân và tình yêu, và rồi cuối cùng ai cũng “married a psycho bitch” (ai rồi cũng cưới được một con quỷ tâm thần).

Đó chính là cách Nick Dunne – nam chính trong tác phẩm gọi vợ mình – Amy Elliot Dunne, sau khi anh phát hiện mình bị Amy gài bẫy về cái chết của chính cô, và khi nhà tù và anh chỉ cách nhau một khoảng ngắn. Ngày xửa ngày xưa, khi Amy – cô chính là cô gái bước từ trong truyện tranh “Amazing Amy” do chính cha mẹ cô (hai nhà tâm lý học trẻ em) sáng tác, một cô gái với vẻ ngoài hoàn hảo, làm một công việc lý tưởng, cách nói đùa ngọt ngào, thông minh, sâu sắc. Đại khái là cô gái trong mơ của bao nhiêu chàng trai lúc ấy. Và Amy gặp Nick Dunne, cũng là chàng trai lý tưởng – đẹp trai, hào hoa, phong nhã, lại còn là nhà báo – một tay viết lách chuyên nghiệp, lại còn có khiếu hài hước chết người (nhưng cô quên rằng anh ta chỉ lý tưởng trong ảo tưởng của chính cô). Hai người đã đổ đứ đừ nhau trong nụ hôn mang vị ngọt của những bụi đường, gần nhà máy kẹo. Lúc này, những tín đồ của phim tình cảm lãng mạn bắt đầu cảm thấy mình đã tìm đúng địa chỉ rồi.

Và thế rồi mọi chuyện kết thúc khi “cô gái trong mơ” ấy kết hôn với “chàng trai lý tưởng”. Tất nhiên hôn nhân nào chẳng màu hồng, cho đến khi các màu khác xuất hiện. Đầu tiên, khi cả hai cùng thất nghiệp, cùng ngồi nhà nằm dài trên ghế sô pha và cùng nhau tiêu tiền mà không làm ra thêm được đồng nào. Đến khi mẹ chồng của Amy lâm vào bạo bệnh, Nick tự quyết định cho việc cả hai chuyển về quê nhà của anh sinh sống (Mẹ chồng luôn là nguồn gốc mâu thuẫn từ Đông sang Tây). Và cho đến khi Amy phát hiện ra Nick ngoại tình với cô sinh viên Andie thì chính là điểm nhấn của quyển truyện này. Vết máu khô trên nền nhà, quyển nhật ký, cuộc săn kho báu – món quà kỉ niệm năm năm ngày cưới, và mọi chi tiết, chứng cứ được dàn dựng một cách logic, cẩn trọng đến nỗi cảnh sát buộc phải đặt dấu chấm hỏi về người chồng: Phải chăng Nick Dunne đã giết và quăng xác vợ mình – Amy xuống sông Mississippi? Và nếu tìm được xác của Amy, thứ Nick phải đối mặt là án tử, chứ không phải là án tù chung thân, mà về bản chất là Nick đã “ở tù” cách đây từ năm năm trước. Quan trọng nhất, đến giờ phút này Nick mới nhận ra mình đã cưới một cô gái không những xinh đẹp mà còn cực kỳ thông minh và khéo léo trong việc thao túng suy nghĩ của người khác, và anh cũng không ngoại lệ. Tất nhiên nếu bạn không phải là một người đề cao nữ quyền thì tôi nghĩ, bạn không nên đọc tác phẩm này! Với bàn tay tài tình của Flynn, “Gone Girl” không chỉ là một quyển tiểu thuyết trinh thám, tâm lý mà còn là một thông điệp hoàn hảo về hôn nhân hiện đại.

Hình mẫu hôn nhân trong “Gone Girl” là điều đáng để tâm nhất, bên cạnh nét tính cách phản xã hội không chỉ do môi trường tạo ra  mà còn do chính bản chất của cô tạo nên. Cuộc hôn nhân với Nick là một cuộc hôn nhân mà Amy mơ ước, một người chồng nhã nhặn, thông minh với những câu chuyện hài hước đầy tinh tế, cho đến khi cô nhận ra chàng nhà báo điển trai, hào hoa đó không có gì khác ngoài sự nhu nhược và ích kỷ, chỉ đặt bản thân lên hàng đầu. Nhưng cô vẫn chưa có ý định trả thù chồng mình, cho đến khi cô bắt gặp Nick ôm hôn cô gái khác như cái cách ôm hôn cô ngày xưa. Cái cách “Amy tuyệt vời” dẫn người ta đi đến cuộc săn tìm kho báu vào lễ kỉ niệm 5 năm ngày cưới (tất nhiên cái mốc 5 năm hôn nhân luôn là cột mốc kinh điển cho tất cả những cuộc hôn nhân các nền văn hóa). Chúng hoàn hảo đến độ Nick tưởng mình đã lấy nhầm một người phụ nữ khác, chưa bàn tới việc anh ta đọc hai quyển nhật ký mà vợ mình đã viết cách đây năm năm, giống như việc cô đã hình dung có trước ngày hôm nay. Trên đời này không có cuộc hôn nhân nào mà không có sự kỳ vọng. Kỳ vọng đối phương thay đổi, kỳ vọng sau này con cái của mình ra sao (vì chúng ta biết trước rằng đối phương không còn gì để chúng ta kỳ vọng), kỳ vọng một tương lai ( mặc dù biết trước rằng tương lai sau này cũng là hiện thực, và bạn đời của chúng ta không bao giờ trở thành phiên bản tốt hơn được và chưa kể đến việc xuống cấp thành phiên bản lỗi thời mà ta chưa hình dung ra được) hoặc chỉ đơn giản là kỳ vọng mình được hạnh phúc…rất nhiều kỳ vọng vô hình khác mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy. Bạn tôi bước vào cuộc hôn nhân theo đúng cách hoành tráng của dân kinh doanh, rồi tự bản thân kinh tởm sự mệt mỏi về những thủ tục của lễ cưới, phải chăng một đám cưới hoành tráng sẽ kéo theo một cuộc hôn nhân hạnh phúc? Không ai dám trả lời, nhưng cũng không ai hiểu rằng ở đây không phải là mối quan hệ nhân quả. Sẽ không có một cuộc hôn nhân nào hoàn hảo cả, chỉ có những cuộc hôn nhân mà hai người đều phải cùng tồn tại, không ai vì người kia mà trở nên vô hình trong chính căn nhà của mình. Cách Amy lý giải vì sao mình “gài bẫy” Nick chính là nguyên nhân căn bản nhất cho mọi vấn đề trong hôn nhân: “He took and took from me until I no longer existed, It’s murder”. Suy cho cùng, hôn nhân chẳng phải là một cuộc chiến, cũng chẳng phải là kì vọng của bản thân về bạn đời của mình để khỏa lấp các ám ảnh tâm lý đã cắm rễ sâu trong tâm hồn mỗi người (Tin tôi đi, Sigmund Freud luôn đúng!!!) – Amy muốn thỏa mãn sự hoàn hảo mà cha mẹ đã gắn lên cô từ thời thơ ấu; còn Nick muốn Amy thỏa mãn vai trò làm mẹ, làm chị của anh để che dấu đi tính cách nhu nhược của mình.

Flynn còn mở ra một góc nhìn mới về những hình tượng “Hoàng tử” mà mỗi một cô gái được nghe từ những câu chuyện cổ tích trước khi đi ngủ. “The ultimate white-knight fantasy: He steals the abused princess from her squalid circumstances and places her under his gilded protection in a castle that no one can breach but him.” (đại khái rằng: cái ảo tưởng về Hoàng tử: Anh ta giải thoát Nàng công chúa bị ức hiếp khỏi tình trạng khốn cùng và bảo vệ cô trong chính lâu đài nguy nga của mình để không ai có thể hiếp đáp cô ngoại trừ anh ta). Chúng ta tưởng rằng cô đang nói về Desi – chàng trai hiền lành, tốt bụng lại giàu có – người yêu cũ của Amy, nhưng thật chất đây chính là góc nhìn của chính Amy về hôn nhân của mình, và là cách cô nhìn những “hoàng tử”. Sẽ không có hoàng tử, sẽ không có lâu đài nguy nga tráng lệ, sẽ không có sự bảo bọc tuyệt đối, chỉ có những con người sống dưới vỏ bọc của sự hoàn hảo để che giấu con người thật của mình, đó mới là cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chính thứ đó tạo nên những “fantasy” trong lòng mỗi người chúng ta.

Đến cuối cùng, đến cả trong mơ, Nick sẽ luôn bị ám ảnh, dưới lớp sọ của Amy chứa những gì?

Leave a Reply

Your email address will not be published.