Ems' Review

[Ems’ Review] Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương – Haruki Murakami

Tôi từng đọc đâu đó trên mạng bình luận về các tác phẩm của Murakami “Mỗi lần đọc tiểu thuyết của chú thì bầu trời lại u ám, nên thôi mình dừng đọc.” hoặc là “…những người đọc Murakami đều là những người có vẻ gì đó khác người, hoặc không yêu thương con người cho lắm!” … rất nhiều câu bình luận kiểu như thế; Và nếu bạn muốn tìm đọc một câu chuyện có hậu, bầu trời mang màu sắc tươi sáng như thể mặt trời chưa bao giờ lặn thì đừng đọc quyển tiểu thuyết này – nó có cái tên dài đằng đẵng: “Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương” này của ông. 

Tôi đã đọc tiểu thuyết này hai lần, một bản tiếng Anh, một bản tiếng Việt, nhưng lần nào tôi cũng không nhớ được tên tiểu thuyết, chỉ nhớ mỗi tên nhân vật là “Tsukuru” trong tiếng Nhật là “không màu” hoặc “trong suốt”. Và cũng như bao lần khác, gấp quyển sách rồi có nhiều thứ đọng lại, không phải là nội dung mà là thứ cảm xúc mà tôi không bao giờ có thể diễn tả thành lời. Tsukuru đã sống một cuộc đời đơn giản và trống rỗng như thể cái tên của cậu – một người đàn ông ba mươi sáu tuổi, độc thân, có công việc ổn định (cậu ta là kỹ sư xây dựng), sống trong một căn hộ của cha mình để lại giữa Tokyo. Cuộc sống của Tsukuru không có gì phải lo lắng, nó lặng lẽ trôi như cách chủ nhân của nó sống giữa dòng đời, cho tới khi có ai đó nhìn vào quá khứ hiển thị một cách vô hình trên đôi vai của cậu, ngoại trừ Sara – cô người tình mà Tsukuru thầm yêu từ những lần gặp gỡ đầu tiên.

Tsukuru có một gánh nặng, thứ mà tôi cho rằng khi gặp một ai đó vài lần trong đời, chỉ cần tinh tế một chút, để tâm một chút chúng ta sẽ thấy họ đang mang vác trên chính đôi vai của mình. Ở đây, Tsukuru mang hình ảnh của bốn người bạn thân thời phổ thông, khi cậu còn sinh sống ở Nagoya. Trong nhóm năm người, chỉ có Tsukuru chọn lựa học đại học ở Tokyo và hoàn thành ước mơ của mình. Chỉ một năm sau khi cậu học ở Tokyo, nhóm bạn đã cắt đứt hoàn toàn liên lạc với cậu như thể Tsukuru trong suốt thật. Và những năm tháng “hành hương” sau đó của cậu, ngoại trừ cái chết, có vẻ không còn điều gì để níu kéo cậu với cuộc sống này. Sự cô đơn của Tsukuru được Murakami miêu tả tinh tế chỉ qua hình ảnh Tsukuru cho rằng mình bị người ta bỏ rơi trên một boong tàu, giữa biển khơi, phía ngoài là cơn bão và đêm đen. Tôi không biết rốt cuộc Tsukuru cô đơn do chính cậu lựa chọn hay do chính những người bạn của cậu đã làm điều đó và không một lí do gì giải thích? 

Cái chết ám ảnh cậu như thể nó là một người bạn. Cậu nghĩ về nó mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, khi cậu đến trường, khi cậu đọc sách, khi cậu học bơi… Tôi đã bắt gặp hình ảnh của mình trong từng nét vẽ mà Murakami phát họa nhân vật chính của mình. Tôi đã từng có những người bạn, trong một nhóm bạn như thế, và rồi cũng chỉ mình tôi rời bỏ họ. Những năm tháng đó không hề dễ dàng. Dù thời gian trôi qua, cho dù tôi cố biện hộ mọi lí do cho sự ra đi của mình, nhưng đến một ngày, khi đã trưởng thành… tôi chợt nhận ra lí do thật sự là tôi khác họ. Tôi không phù hợp để sống cho vừa những chuẩn mực mà xã hội này tạo ra. Dù như vậy, khó có thể phủ nhận rằng những vết thương thời tuổi trẻ đó vẫn đi theo tôi cùng năm tháng, cùng tôi lớn lên, cho đến khi chúng và tôi cùng hòa làm một. Điều tôi khác với Tsukuru là tôi cô độc nhưng không hề cô đơn. 

Tình tiết khiến đọc giả ngỡ ngàng nhất chính là cái chết của Yuzu và việc cô cho rằng mình bị tấn công bởi Tsukuru. Nguyên nhân cái chết của cô là bị người khác siết cổ bằng một chiếc khăn choàng cổ. Hung thủ không được tìm ra. Và cái chết của cô hoàn toàn bí ẩn. Dù có vẻ không liên quan nhưng cái chết mà Tsukuru luôn nghĩ tới và cái chết thực sự của Yuzu, cộng với hình ảnh ga tàu Shinjuku đã khắc họa chân thật và rõ nét hình ảnh xã hội và con người Nhật Bản ở thời điểm Murakami chắp bút quyển tiểu thuyết này: khắc nghiệt, vô cảm, con người là một cỗ máy trống rỗng, tuổi trẻ của những thiếu niên Nhật Bản thời ấy liệu có đáng được trọng như chính nền kinh tế cần được thổi bùng lên vị trí hàng đầu trên thế giới.

Nếu ai đó cho rằng Murakami không yêu thương con người thì có vẻ họ chưa bao giờ thật sự đắm chìm trong thế giới của ông. Ông rất yêu thương con người, nhưng ông lại mượn chính con người ấy để vẽ nên bức tranh loang lổ sự tàn bạo của xã hội mà ông đã và đang sống, chỉ có điều, con người trong truyện của ông không mang màu sắc tích cực giả tạo mà văn chương ngày nay đang hướng đến!

Leave a Reply

Your email address will not be published.