Ems' Stories

[Us] Chapter 23: Em trai

Tôi giật mình lúc trời đã về khuya. Tôi hiếm khi ngủ tròn giấc, đặc biệt tôi luôn để bản thân mình ngủ gục ngay bàn làm việc. Tôi ý thức được cơn buồn ngủ ập đến, nhưng tôi sợ khi bước xuống giường mình sẽ phải trăn trở trong giấc ngủ còn dở dang; điều này khiến tôi thà nằm gục trên bàn, sẽ dễ chịu hơn. Là tiếng tin nhắn của Vân. Cô hỏi tôi có còn nhớ cô là ai không? Tất nhiên, tôi sẽ nhớ mãi tấm lưng trần thon thả của cô, còn gương mặt cô thì tôi chịu. Gương mặt của cô chỉ đơn giản không nằm trong ký ức của tôi. 

Tiếng gõ cửa phòng nhè nhẹ. Là nó. Tôi dụi mắt rồi uể oải tiến về phía cửa, bình thường giờ này nó đã ngủ từ rất lâu rồi hoặc là lang chạ ở đâu đó đến sáng sớm mới về nhà. Tôi biết nó chẳng khác tôi là mấy, dù nó nghĩ nó khác. Nó nghĩ nó là người đàn ông tốt – nó khẳng định chắc nịch như thế. Đối với nó, người đàn ông tốt là người chẳng để ai đau khổ vì mình, thế thôi. Dù nó chia tay hàng loạt cô gái trong vòng vài tháng, chưa tính đến cô gái tôi gặp tối nay. Vậy là tôi còn hơn cả tốt, tôi chẳng để ai đau khổ vì mình cả, hoặc có thể họ đau khổ mà tôi không biết đó thôi – mà cái đó thì không tính. 

“Gì?” Tôi nổi cáu với nó, bao nhiêu tình cảm huynh đệ lúc tối giờ tan theo mây khói khi tôi nhìn gương mặt nó lúc này, một gương mặt được phủ đầy oxytocin. Thằng ngốc!

“An đang nằm trên ghế ngoài phòng khách, có gì thì nhỏ tiếng thôi.” Khuôn mặt nó đầy vẻ chân thành, nhưng tôi không quan tâm. 

“Tao không quan tâm.” Tôi nhún vai rồi đóng cửa, lăn mình xuống giường, nằm thiêm thiếp trong những ý nghĩ đang nhảy múa trong đầu cho đến khi tôi chìm vào giấc ngủ không hay.

*****************************************

Tôi đứng đó nhìn cô gái đang nằm sải dài chân trên sô pha, theo cái dáng vẻ kỳ cục nhất của một sinh vật đang ngủ. Đây là lần đầu tiên tôi gặp một sinh vật kỳ quặc như cô. Cô co người lại theo hình vỏ óc, như thể cố gắng giữ trọn hay ôm chặt điều gì quý giá nhất trên đời vì sợ chúng mất đi. Tất nhiên, cô che mất cả gương mặt mình. Nhưng tôi biết đó là An. Chỉ có điều làm tôi thắc mắc, một cô gái có đầu óc chắc hẳn sẽ không đời nào ngủ lại nhà thằng con trai theo kiểu như thế. Chắc chắn với những gì mà tôi biết về An qua cuộc trò chuyện tối qua thì cô không phải là loại con gái không có não. Có điều gì đó rất kỳ lạ từ cách nói chuyện đến cách suy nghĩ của cô gái này. Thảo nào, thằng anh trai của tôi nó cứ như thế. Cái cách An nhìn nó, và ngược lại đã nói lên tất cả. Hai người họ trên cả tình bạn thường thấy, nhưng vẫn chưa tiến xa được tới đâu. Thằng anh của tôi là thằng phức tạp nhất trên đời mà tôi biết, tất nhiên nó được xếp sau tôi. Nó từng tuyên bố rằng không có chuyện nó yêu một ai đó. Nó còn cho rằng con người là một cỗ máy chia thành hai phần chính: phần cảm xúc và lý trí, và hoàn toàn có thể điều khiển được. Tôi đã khờ khạo hỏi nó là điều khiển như thế nào; nó đã dõng dạc tuyên bố rằng: “Khi tao thấy buồn, tao chỉ cần dừng ngay việc suy nghĩ lại là hết buồn liền.” Và quả thật, hiếm khi tôi thấy nó buồn, nhưng cũng không hẳn, có thể tôi quá quan tâm đến bản thân mà quên mất nó vẫn có những nỗi lo sâu thẳm mà tôi không hề nhận ra. Nhưng ngay đây, có vẻ “suy nghĩ” của nó đang nằm co ro trên cái sô pha yêu thích của mẹ tôi! Thằng ngốc. Cái ý nghĩ mẹ tôi sẽ giết nó khi bắt gặp cảnh tượng này khiến tôi sung sướng không tả nổi.

Tôi uể oải bước vào nhà vệ sinh cá nhân trước khi làm một ít đồ ăn sáng. Tôi đói rũ người ra, nhưng rồi chợt nhớ chiều nay tôi lại có lịch hẹn trị liệu. Mẹ, khi nào tôi mới không cần phải đến đó. Muốn làm một người bình thường trong xã hội này khó thật, ít nhất ta cần một cái chứng nhận “bình thường” thì mới gọi là người bình thường. Loài người lại ngu ngốc rồi. 

Nó bước ra khỏi phòng, vừa đi vừa tròng cái áo phông vào người. Bình thường nó vẫn hay để mình trần ra đi khắp nhà đấy thôi. Sự “chỉn chu” của nó đang nằm đó mà. Tôi nhìn nó đầy vẻ mỉa mai:

“Nay lịch sự gớm!” 

“Kệ tao, đừng quan tâm, mà sao nay mày bày đặt làm đồ ăn sáng?” Nó nhìn tôi.

“Tao không có gì để làm hết.” Tôi nhún vai, từ chỗ tôi đang đứng vẫn thấy rõ cô gái kia ngủ say như chết, chỉ là hơi thở của cô nhẹ bẫng như không. Tôi không thích có người lạ ở trong nhà, ngoại trừ Khả – vì cô đẹp, An thì khác. Tôi không biết nhiều về cô, ngoài việc tiếng thở của cô không nghe khò khè – chứng tỏ hệ hô hấp của cô ta khỏe mạnh. Trừ thứ đó ra tôi còn biết gì khác nữa đâu. Tôi đứng tần ngần nhìn về phía cô rồi quay lại công việc của mình. 

“Tao nhớ là chiều nay mày có lịch hẹn trị liệu mà.” Nó khẳng định.

“Mày có thể đi giùm tao mà.” 

“Chuyện chia tay nhăng nhít thì tao có thể giúp mày được, còn chuyện này thì không.”

“Tại sao không?” 

“Tao không muốn ông bác sĩ trị liệu của mày bị điên thôi.” Nó cười sằng sặc. 

“Thứ nhất là ổng không phải là bác sĩ mà chỉ là chuyên gia, nếu ông ta là bác sĩ thì tao chết lâu rồi; thứ hai là tao vẫn không chắc ổng có bị điên không.” 

“Thứ nhất, không phải là bác sĩ tâm thần sao dám kê thuốc cho mày; thứ hai, chỉ những người giống nhau mới giúp nhau được.”

“Tao không biết.” Tôi lầm bầm, hình ảnh người đàn ông luôn ngồi đối diện, luôn đẩy gọng kính lên xuống như thể ông ta chẳng còn gì khác để làm. Việc thiếu niềm tin ngày càng bén rễ sâu trong tôi.

“Mày có nghĩ tới việc tạm dừng việc trị liệu không?” Nó hỏi, không có vẻ gì đang giễu cợt tôi.

“Tao đang suy nghĩ về điều đó.” Tôi ra vẻ nghiêm túc nhưng thật ra trong đầu tôi chẳng bao giờ xem cái việc cách hai tuần, chiều thứ bảy là điều gì đáng ghi nhớ trong thời gian biểu cả tuần. Việc trị liệu, ít nhiều chỉ giúp tôi đốt thời gian và nhìn mọi thứ thông qua đôi mắt của những người bình thường khác.

Bầu không khí bỗng trở nên im ắng khi tôi và nó cùng theo đuổi hai luồng suy nghĩ khác nhau. Cho đến khi ai đó bắt đầu cựa mình, mở to mắt và chồm người dậy nhìn về phía tôi. Anh trai tôi nhìn tôi rồi nhìn về phía cô như thể thăm dò. 

“Em có thể dùng nhà vệ sinh không?” An hỏi, tôi đang thắc mắc cô có phân biệt được một trong hai người không. 

“Trong nhà vệ sinh có một cái tủ, có bàn chải mới, em cứ tự nhiên.” Nó nói còn tôi thì giả vờ như thể tôi không nghe thấy. Tôi đợi lúc cô đóng cửa nhà vệ sinh rồi quay sang nó với vẻ mỉa mai:

“Nào là không được dắt bạn gái về nhà, không được để bạn bè qua đêm, bao nhiêu nguyên tắc bị mày đạp đổ vậy?” Từ nhỏ, nó luôn là con người của quy tắc, mọi quy chuẩn nó đặt ra đều được nó quyết tâm làm theo dù với bất cứ giá nào. Đôi lúc, cha mẹ hay bảo nhà có một ông cụ non để trông nhà, đó chắc hẳn là một trong những lý do khiến nhà tôi không cần nuôi chó.

Nghe tôi nói vậy, nó chỉ nhìn tôi cười trừ. Tôi chưa bao giờ thấy nó như vậy, cái kiểu nét mặt không giấu đi đâu được nụ cười ngốc nghếch. Cánh cửa nhà vệ sinh bật mở, An bước ra với vẻ mặt tươi tỉnh, khác hẳn với gương mặt tựa vào vai tôi tối qua. Tuy nhiên, thứ tôi mong đợi lúc này chính là thái độ của cô dành cho tôi sau khi cô dành cả tiếng đồng hồ để nói những chuyện mà tôi dám chắc là cô sẽ không bao giờ nói với người khác. Hoặc cô tưởng rằng tôi là người khác.

“Có phần nào cho chị mày không?” An hất mặt nhìn về phía tôi – tôi gần như giật mình khi nghe cô lên giọng, tôi buột miệng hỏi:

“An nói gì?” Bên cạnh là tiếng cười khúc khích của thằng anh trai.

“Còn đồ ăn không?” Cô tròn mắt nhìn tôi. 

“Chị?” Tôi hơi bất ngờ trước lời khẳng định của cô.

“Ừm đúng rồi, An là bạn của anh trai của đó thì đó phải kêu đây bằng chị rồi.” An cười toe toét, thấp thoáng cái đồng tiền mà người ta tìm mỏi mắt mới thấy. Đêm qua trời quá tối hay là mắt tôi không đủ sáng để tôi không nhận ra cô có đôi mắt sáng rực, ánh nhìn của cô như thể nhìn thấu tâm can của người khác. Cô cười khi nói gì đó với anh trai tôi, tôi gần như không nghe thấy, chỉ thấy nụ cười của cô như thể tiêm thẳng vào tim tôi một liều adrenalin cực mạnh. Tôi từng gặp rất nhiều người, nhiều kiểu cá tính khác nhau, cùng những cách thể hiện khác nhau. Một vài người trầm tính và ít nói, thỉnh thoảng ngượng ngùng che giấu bằng nụ cười; một vài người khác luôn tỏ ra mình ổn, luôn mang cái vẻ ngoài lạc quan giả tạo khiến người đối diện choáng ngợp. Nhưng tất cả điều có một điểm chung: họ trống rỗng, phía sau những thứ đó là sự ngơ ngác chân thật về bản thân mình và bối rối không biết bản thân mình đang gặp chuyện gì. Cô khiến tim tôi đập mạnh hơn chỉ vì sự chân thật và thách thức những khác hãy cố gắng hiểu rõ cô hơn bản thân cô. Thật kỳ lạ!

An chỉ ngồi xuống trước mặt tôi, ngay bàn ăn được kê liền với bếp, tay chống cằm nhìn tôi chăm chú, tôi nghĩ là cô không hề chớp mắt. Anh trai tôi lên tiếng:

“Em nhìn gì mà dữ vậy? Nó ngại thì nó không nấu đồ ăn sáng cho em được đâu.” 

“Em chỉ đang học, để xem hai người có nét nào khác nhau không.” An bình thản trả lời. “Mà em trai anh không có vẻ gì là tuýp người hay ngại ngùng đâu.” Chưa bao giờ tôi cảm giác có ai nhìn tôi như thể sắp lột trần tôi tới nơi như vậy. Tôi đẩy dĩa bánh mì ốp la trước mặt An, mặt giả vờ nghiêm trọng:

“Ăn đi đừng nhìn nữa. Sẽ không có chuyện như tối qua nữa đâu…” Tôi ngập ngừng rồi nói tiếp: “Xin lỗi chị.” 

“Cám ơn.” An lí nhí trong miệng nhưng vẫn không ngước mặt lên, tay mân mê cái điện thoại đầy vẻ bất an.

“Sao đó?” Anh trai tôi hỏi.

“Em không gọi được người yêu cũ.” An lầm bầm: “Không biết có chuyện gì không nữa.” Gương mặt của cô chuyển từ hào hứng sang ủ dột và trầm tư chỉ trong vài phút, rất thú vị so với con người lúc nào trong suy nghĩ cũng chỉ có một màu u ám hoặc trắng dã như tôi. An có thể buồn, có thể vui, rồi chuyển qua lại chỉ trong một vài khoảnh khắc. Chỉ là mọi thứ trên gương mặt cô điều rất sống động như thể đó là một bức tranh siêu thực.

“Em kể chị nghe chuyện này được không…?” Tôi và anh trai ngồi xuống đối diện cô.

“Ừ… kể đi.” An ậm ừ điều gì đó trong cổ họng chỉ để mình cô nghe rõ.

“Có một chàng trai yêu thầm cô gái nhưng không dám nhắn tin mà tự an ủi mình rằng: nếu cổ thích mình, thì cổ sẽ nhắn tin cho mình. Và cứ thế anh ta cứ đợi hoài mà không thấy tin nhắn nào hết.” Tôi kể rồi im lặng hồi lâu đợi An phản ứng.

“Rồi sao nữa?” An có vẻ không đủ kiên nhẫn.

“Hết chuyện rồi.” Tôi nhìn An cười ra vẻ trêu chọc. 

“Sao lại hết chuyện?” An buông nĩa xuống, ra vẻ thất vọng, còn thằng anh tôi thì cười khúc khích. “Sao anh lại cười? Em không hiểu gì hết.” 

“Vì cô gái đó cũng suy nghĩ giống hệt chàng trai vậy.” Anh tôi cười sằng sặc, nhưng mắt không rời khỏi An. 

“Ủa vậy em kể chuyện này với mục đích gì?” An quay sang nhìn thẳng vào mặt tôi.

“Chỉ có kẻ ngốc mới đi yêu người khác.” 

“Khoan, em đang nói chị ngu đó hả?” An gào lên, nhưng với giọng điệu không có chút gì là giận dữ.

“Giờ hiếm ai có thể ngây thơ như chị vậy.” Tôi cười xòa ra điệu bộ đầu hàng. Tôi mím môi khi nhìn cô, chợt nhớ ra rằng trong một khoảnh khắc, tôi đã từng muốn hôn cô, nhưng cô lại không có gì tương đồng với cô gái tối qua hết. Tôi không bao giờ hạ bức tường của mình chỉ với lần thứ hai gặp mặt. Nhưng có vẻ nụ cười của cô khiến bức tường đó tan chảy. Chúng tôi tiếp tục nói những câu chuyện không đầu không cuối, về câu chuyện tình yêu vớ vẩn của An. Cô có thể kể rồi bàn luận như thể là câu chuyện của một ai đó mà không sợ ánh nhìn thương hại từ hai chúng tôi – con gái bây giờ thường che giấu nỗi đau của mình chỉ để cố tỏ ra mình mạnh mẽ. Nhưng với cô gái ngồi trước mặt tôi đây thì không đúng, cô chấp nhận tổn thương như thể chúng là một phần của bản thân. Đã là những gì của bản thân thì làm sao có thể chối bỏ được, cô vừa nói vừa cười ngây thơ như một đứa trẻ vậy.

*****************************

An đang mân mê kệ sách trên tường của mẹ tôi, chủ yếu là các thể loại tiểu thuyết kinh điển từng nổi tiếng thời bà còn trẻ. Phần còn lại là bà mua chủ yếu cho hai anh em tôi. Đó được xem như là món quà đã làm việc có ích như làm việc vặt, rửa xe, dọn hồ bơi… các thứ bằng những quyển sách bà cho là phù hợp lứa tuổi của chúng tôi lúc đó. Thật vô ích khi những món quà tự thưởng lại là sách của một người khác cho là đáng đọc. Chẳng có ý nghĩa mấy với tôi, nhưng tôi vẫn đọc hết chúng. Chỉ để giết thời gian. Khác hẳn với thằng anh trời đánh của tôi, nó làm gì có thời gian đâu mà giết.

“Chị kiếm sách gì? Thể loại gì đó?”

“Có thể loại nào mà cho người ta chút động lực sống không?” An lèm bèm với vẻ mệt mỏi. 

“Sách self-help hả? Để em kiếm xem.” Tôi vò đầu bứt tai để nhìn một lượt cái giá sách đồ sộ này. Theo tôi biết thì mẹ tôi là một người không bao giờ để cuốn sách self-help trên kệ sách của bà vì bà cho rằng nó vô nghĩa.

“Đây,  Đi tìm lẽ sống nè.” Tôi hào hứng đề nghị. Anh trai tôi ngồi mân mê ly cà phê vừa đọc cuốn “Tội ác và hình phạt” vừa nhướng mày nhìn về phía chúng tôi như thể đang xem trò tiêu khiển, nó lên tiếng:

“Mày có chắc cuốn đó là sách self-help không?” 

“Thường đầu cuốn sách sẽ có dòng chữ “Soup for Soul” hay gì đó?” An bình luận.

“Thực tế thì không có loại súp nào ăn vô để bổ não của chị hết, huống chi tới tâm hồn.” Tôi cười khanh khách: “Đây là chính là cuốn sách khiến hàng triệu người Việt vỡ mộng về self-help.”

“Tại sao?” An gãi đầu, chắc trong đầu cô có hàng trăm câu hỏi tại sao được lập trình sẵn. 

“Nó là cuốn sách về chủ nghĩa hiện sinh đó.” Tôi cười rồi gom một mớ tiểu thuyết mà hầu như tôi không đụng tới – của Marc Levy, dù tôi không thích ông ta mấy… rồi đưa cho An. An đứng tần ngần, nhìn tôi thắc mắc đầy vẻ khó hiểu. 

“Không cần cảm ơn, chị nói muốn giết cái cuối tuần này mà, nó vừa đủ đó…”

“Nhưng mà mấy cuốn này đọc rồi hết rồi…” 

“Chị có thích không?” Tôi hỏi, cắt ngang lời An.

“Thích nhưng mà không nhớ.” An trầm ngâm. Câu nói mang giọng điệu miễn cưỡng đến buồn cười.

“Đọc ở đâu?” Anh trai tôi hỏi với tới. 

“Thì đọc cọp trong nhà sách…” 

“Vậy chị có thể đọc chồng này, của Dan Brown hay Harry Potter đó.” Tôi đưa cho An chồng sách dày cộm, có cảm giác mình vừa cho kẹo đứa con nít khiến mắt nó sáng bừng lên:  “Mà chị không về nhà mình à?” 

“Không, thứ hai sẽ về…” Rồi cô đổ người lên sô pha và quên mất sự tồn tại của chủ nhà – là chúng tôi đang nhìn cô đầy khó hiểu. Cô tự nhiên đến nỗi tôi quên mất rằng tôi mới gặp mặt và nói chuyện với cô ngày hôm qua. Nhìn An chú mục vào quyển sách, tôi chỉ thấy rằng thời gian không có ý nghĩa gì ở đây. 

“An có thân với Khả không?” Tôi thì thầm với anh trai mình.

“Tất nhiên rồi.” Nó trả lời, nhìn về phía An.

“Mày chết chắc rồi.” Tôi lầm bầm rồi bỏ vào phòng của mình.

*********************************

Kim đồng hồ đang lê từng bước chậm chạp trên tường, tôi ngồi đếm từng nhịp trong vô thức. Người đang ngồi đối diện tôi vẫn như thường lệ, chẳng có gì thay đổi. Cái áo sơ mi màu nâu nhạt, cùng quần tây được ủi phẳng phiu kết hợp đôi giày tây. Từ lúc nào màu xanh lại đi cùng màu đen, kết hợp cùng đôi vớ màu nâu lấp ló. Ông buộc tôi không thể xao nhãng với thời trang công sở kỳ quặc như thế. Tôi không phải tuýp người cầu kỳ về cách ăn mặc, nhưng việc một người lựa chọn quần áo không làm nổi bật được ưu điểm của bản thân thì tôi cho rằng họ không hiểu mình là ai. 

Sau khi được hỏi hằng đống câu hỏi theo thủ tục – những câu hỏi mà tôi đã nằm lòng được bốn năm nay. Tôi bắt đầu thể hiện sự khó chịu bằng cách từ chối uống thuốc.

“Tại sao con lại không uống thuốc?”

“Vì uống thuốc làm con không tỉnh táo.” 

“Con biết là không thể dừng thuốc đột ngột mà đúng không?” Ông hỏi ngược lại tôi. 

“Chú đã giảm liều cho con một tháng trước, và con cũng đã không uống nó cả tuần nay. Con không nhận thấy bản thân mình tồi tệ theo cách này hoặc cách khác. Điều này con nghĩ mình đủ năng lực để sống cuộc sống như bao nhiêu người bình thường khác.” 

“Việc con dừng thuốc, chú buộc phải báo cho phụ huynh.” 

“Thứ nhất con không muốn tự sát; thứ hai con đủ mười tám rồi.” Tôi bắt đầu thấy mình nổi giận. Tốt nhất là ông ta đừng mở miệng với bất kỳ câu nói nào nữa.

“Khi con dừng thuốc, con biết cái cảm giác đó sẽ quay trở lại và chúng sẽ khiến con làm hại bản thân mình thêm lần nữa.” Ông ta khẳng định không chút nao núng.

“Con không thể uống thuốc và gặp chú cả đời đâu.” 

“Chắc chắn rồi.” 

“Nói con nghe, chú thật sự quan tâm con hay đó là những thứ nghề nghiệp của chú bắt chú quan tâm con? Mỗi lần con nhìn thấy chú con không thấy gì ngoài cái vỏ rỗng. Nói con nghe, chú thật sự quan tâm tới điều gì, ngoài những người hay đến gặp chú để ngồi đếm từng giây khi cái kim đồng hồ đó lướt qua. Mỗi ngày chú gặp bao nhiêu người như vậy? Những cuộc gặp đó có ý nghĩa gì trong cuộc đời chú?” Nói xong tôi giận dữ bỏ đi. Chắc chắn tôi sẽ không quay lại đây nữa. Cuộc sống của tôi vẫn bình thường, và tôi muốn một cuộc đời bình thường, như bao người khác. Tôi chẳng quan tâm mấy đến những gì ông ta nói, lời chia tay chắc hẳn sẽ bớt cay đắng hơn như vậy rất nhiều nếu tôi không nói những gì tôi nghĩ. Có thể tôi là một thằng nhóc ích kỷ, nhưng không bằng ông ta. 

Ngoài kia, dòng người lũ lượt qua lại như mọi khi, chẳng ai buồn quan tâm để ngoái lại nhìn tôi. Và tôi thích cảm giác này vô cùng. Tôi đang bước đi vững vàng bằng hai chân và tôi biết phía trước mình là gì, tôi đang hào hứng với sự mạnh mẽ mà tôi luôn mơ tới, chúng đang chạy trong từng mạch máu của tôi. Thế nhưng, giấc mơ của tôi không kéo dài được bao lâu, chuông điện thoại lại reo. Mẹ tôi gọi.

**********************************

Chú thích:

  1. “Đi tìm lẽ sống”: Cuốn sách ghi lại những trải nghiệm của tác giả Victor E. Frankl trong trại tập trung Auschwitz và cách nhìn mới về lý do con người tồn tại. Sách thuộc thể loại tâm lý học, bao gồm hai phần chính: trải nghiệm của tác giả trong những tháng ngày ở trại tập trung và những sơ lược về liệu pháp ý nghĩa – liệu pháp được tác giả đúc rút ra từ những chiêm nghiệm mà ông có trong khoảng thời gian kinh khủng ở trại tập trung.
  2. “Tội ác và hình phạt”: Tiểu thuyết của nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky. Tạp chí Times đã bình chọn Tội ác và hình phạt là một trong số những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại, là một trong những tác phẩm có nội dung bi thảm nhất của nền văn học nhân loại. Chuyện kể về chàng sinh viên nghèo Raskolnikov vì quá lạc lối mà đã giết chết hai chị em bà lão cầm đồ. Những ngày sau đó, Raskolnikov rơi vào một bi kịch mới, khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Anh càng cố gắng che giấu tội lỗi thì càng tỏ ra lúng túng. Tình yêu sâu sắc, sự hy sinh cao cả và tấm lòng nhân hậu của cô gái Sonya cùng sự quan tâm, yêu thương giúp đỡ của mọi người đã thức tỉnh Raskolnikov. Chấm dứt những giằng xé nội tâm, anh đưa ra quyết định: thà bị giam cầm về thể xác còn hơn bị tù đày về tâm hồn.
  3. Chủ nghĩa hiện sinh: (hay thuyết hiện sinh) là luồng tư tưởng triết học của một nhóm các triết gia cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh tính cá nhân con người – con người không đơn thuần chỉ là chủ thể tư duy, mà còn là những gì con người hành động, cảm nhận, và sống với những giá trị có nghĩa khiến con người tồn tại.

Leave a Reply

Your email address will not be published.