Hầu hết những cuốn tiểu thuyết khác của Murakami đều không dễ đọc. Chỉ riêng “Cuộc săn cừu hoang” lại dễ đọc, nhưng cũng khiến người ta nghẹt thở. Không nghẹt thở sao được, khi mở đầu câu chuyện của nhân vật chính (không có tên) là một đám tang của cô gái “ngẫu nhiên” mà anh từng gặp trên đường trưởng thành của mình. Cái chết ở năm hai mươi sáu tuổi, quá trẻ dành cho một đời người, nhưng quá muộn cho ước muốn của cô. Nhân vật đó có thể đóng vai là “nhà tiên tri” cho những tình huống phiêu lưu đầy bất thường về sau của “Tôi”. Nhưng cô cũng làm người ta giật mình thấy chính bản thân mình trong đó, thỉnh thoảng việc “lên giường” với một ai đó làm chúng ta cô đơn gần chết. Có lẽ càng gần “Tôi” cô càng muốn chết, theo mọi nghĩa.
Hình ảnh những người phụ nữ trong con mắt của Murakami luôn mang nét bí ẩn và có cái gì đó không thể chạm tới được: Cô gái chết năm 26 tuổi, người vợ mang đôi giày đỏ, cô bạn gái có đôi tai đẹp. Ở họ đều có một thế giới quan bất thường, nhưng có vẻ đều yêu nhân vật “Tôi” theo lẽ thông thường nhất, chỉ là không chịu nổi sự lạnh lùng của vách ngăn đó mà bỏ đi. Quả thật, tôi thích trôi đi theo những tình tiết trong đời sống hằng ngày của “Tôi” hơn là cuộc săn cừu kỳ dị kia. Cái cuộc đời của “Tôi” diễn ra trong bối cảnh của những năm 80. Ngòi bút của tác giả làm tôi tưởng như thấy mình trong xã hội hiện đại, nơi Internet và điện thoại thông minh đang chi phối gần như toàn bộ khía cạnh của một con người. Nhưng ở nơi “Tôi” sống, có nhiều thứ hữu hình hơn thế, quan trọng nhất là chúng thật hơn so với cuộc sống của xã hội của mạng xã hội ngày nay.
Nhưng tại sao lại là săn cừu, không phải săn hươu nai gì đó? Cừu là một con vật đặc biệt. Nó xuất hiện hơn 500 lần trong Kinh thánh, và được đề cập như một hình tượng con chiên ngoan đạo của Chúa – ám chỉ người theo Đạo (God’s people). Nhưng ở đây “Tôi” đuợc giao nhiệm vụ chăn một con cừu khác hẳn. Một con cừu đứng giữa đồng cỏ, giữa hàng trăm con cừu khác, chỉ duy nhất nó có hình ngôi sao trên lưng. Một hình tượng kì cục. Tôi không bàn đến các nhân vật khác qua con mắt của “Tôi”. Chỉ cần nhìn “Tôi” của thế giới trong cuốn sách đã làm tôi bối rối kinh khủng. Chưa nói đến nhân vật “Chuột” xuất hiện như nét bứt phá. Chuột treo cổ chết ngay trong căn nhà trên đồng cỏ. Và Người Cừu – hình tượng trộn lẫn giữa người và cừu – người ta không phân biệt được đâu là người đâu là cừu, an táng cậu ở garage xe. Một sự cứu rỗi duy nhất mà con người ta cần là tự cứu lấy chính mình bằng cách chết đi. Và con cừu đó lại thay thế vật chủ của nó, từ người này sang người khác. Người đó không phải là “Tôi” vì cậu không có đức tin, không ham muốn quyền lực, chẳng có gì có thể thao túng được cậu, kể cả tình dục và đàn bà; bằng chứng là khi cô bạn gái bỏ đi, “Tôi” chỉ đơn giản quên hết mọi thứ rồi bắt đầu sống tiếp cuộc sống của chính mình. Hình ảnh Chuột nói chuyện với “Tôi” có thể là một giấc mơ, cũng có thể là đang nói chuyện với chính mình. “Tôi” mắc kẹt trong cái tôi ích kỷ của bản thân, đang cố vùng vẫy ra (hình ảnh “Tôi” đập cây đàn ghi ta đi vì chỉ vì sự tức giận). Có vẻ thứ duy nhất “Tôi” mắc kẹt là không biết cách sống cuộc đời của một người bình thường của mình, như những người khác.
Cuối cùng, Cừu lại làm chủ thế giới, làm chủ xã hội, tạo ra các thế lực có thể chi phối bằng tiền bạc và quyền lực. Cừu làm chủ những con người sống trống rỗng, ích kỷ, cần một cái gì đó – chẳng hạn như niềm tin để bám víu. Chỉ có cái chết mới giải thoát con người ra khỏi địa ngục “phải sống” trong xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Nơi đó “cái sống” bị ăn mòn từ bên trong. Toàn bộ cuốn sách có thể giấc mơ, cũng có thể là câu chuyện hoang đường nhưng đầy logic.
Vậy khi số điện thoại của Chúa không gọi được có phải do Ngài bận hay cừu không còn nữa?