Nếu có ai đó hỏi tôi rằng “Đọc tiểu thuyết của Murakami có gì hay?”, tôi sẽ trả lời rằng: Chẳng có gì hay ho ở trong đó cả, chẳng có gì có ý nghĩa hết. Nhưng nó vẫn cứ làm mình không yên, đặc biệt quyển “Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời”.
Mình sẽ không bàn về tên của quyển tiểu thuyết, vì đôi lúc, nằm giữa việc xác định phương hướng và vật thể nằm đó làm mình lẫn lộn mọi thứ, nơi mình muốn đến, mình là ai, mình muốn mình là ai? Nhưng có vẻ nhân vật chính – Hajime của Murakami cũng có phần tương đồng. Cậu ta đứng giữa nơi đó, giữa phía Nam, được bao quanh bởi biên giới của Mexico và Phía Tây mặt trời đang đổ cái nắng chói chang – nơi người nông dân Xiberi sống trong cảnh phân cách của ngày và đêm, trên nền nhạc của Nat King Cole và Duke Ellington, kết hợp cùng hương vị lạ lùng của những ly cocktail Daiquiri và Robin’s nest. Không phải cậu không biết mình sẽ đi đâu, mà là tác giả muốn cho những ai cầm quyển tiểu thuyết này lên cũng sẽ hoài nghi và hoang mang với con đường của cuộc đời mình, và rồi ai cũng tự hỏi rằng: một phần trong bản thân mình cũng méo mó và ích kỷ y hệt nhân vật chính của ông: ích kỷ, nhu nhược, nhưng không yếu đuối, có phần cố chấp và có điều gì đó khác với bình thường. Ai cũng có thể soi thấy bản thân mình trong các câu chuyện của Hajime từ lúc còn là một đứa trẻ đến khi trưởng thành.
Hajime là con trai một trong một gia đình trung lưu. Cậu không cảm thấy điều gì ở bản thân mình đặc biệt ngoại trừ việc cậu là con một. Điều đó chẳng làm cậu sung sướng hay hãnh diện hơn người khác mà chỉ cảm giác “bị tước mất một thứ mà những người khác có và coi là bình thường” – vì ở xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ, việc một gia đình chỉ có một đứa con duy nhất là điều hiếm gặp, bối cảnh câu chuyện diễn ra vào khoảng 1955 là giai đoạn “baby boomer”. Rồi khi lên tiểu học, cậu gặp “một nửa hoàn hảo” của mình – Shimamoto-san, cũng là con một, giống Hajime. Thế nhưng số phận đưa đẩy, cậu và mối tình đầu của mình bị chia cắt, tuy vậy trong cậu, hình ảnh của Shimamoto-san vẫn luôn nguyên vẹn: cách cô kéo lê chân mình khi đi, cách cô vuốt thẳng váy khi ngồi xuống, cách cô cẩn thận nâng niu chiếc đĩa than khi đặt vào máy, và đặc biệt là nụ cười của cô. Mãi đến sau này, khi cô xuất hiện thì dấu vết cô để lại trước khi biến mất, hoặc rời đi là dấu son môi trên đầu thuốc lá hay trên ly rượu đã vơi. Rốt cuộc ở bên kia biên giới của Hajime có gì, và còn gì để lưu luyến?
Hoặc chúng ta có thể nhìn mô tuýp mà Murakami đang vẽ ra theo một quan niệm kinh điển của cuộc đời mỗi người: cả cuộc đời mỗi con người, chúng ta sẽ gặp ba người mà mình sẽ nhớ nhất: tình đầu – người ta yêu nhất, người yêu ta nhất và người cùng ta đi hết cả quãng đời còn lại. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như câu chuyện mà Murakami muốn kể. Izumi và Yukiko là hai người phụ nữ thật sự hiện hữu trong đời của Hajime, nhưng trong suốt chiều dài của câu chuyện hai nhân vật này đều khá mơ hồ, cho đến khi Shimamoto-san biến mất.
Kết thúc câu chuyện, có lẽ lúc đó người đọc mới cảm nhận được rằng mình đang bị lừa trong xuyên suốt câu chuyện. Có lẽ đó cũng là biệt tài của Murakami, ông dẫn dắt và vẽ cho người đọc những con đường nhưng đến khi gần đến đích rồi, ông lại bỏ người đọc bơ vơ với trí tưởng tượng không đầu không cuối của mình. Hajime có quay về nhà với vợ của mình không, có lẽ có, nhưng cậu có hạnh phúc với cuộc sống của mình không? Hay cậu phải bắt buộc sống cuộc đời bình thường như bao người khác? Song có lẽ điều tôi chắc chắn nhất là Hajime chẳng tìm thấy gì ở “Phía Nam biên giới” cả, cậu chỉ việc nhìn đường chân trời ở Phía Tây, trên nền nhạc “South of the Border” của Nat King Cole. Cậu càng không biết người mà cậu đã chạy theo một quãng thời gian dài có thật sự tồn tại hay chỉ là mộng tưởng mà chính cậu đang vẽ ra?
Qua Hajime, ta sẽ tự hỏi bản thân rằng ý nghĩa đời người nằm ở đâu, lằn ranh giữa thực tại và ảo tưởng, giữa quá khứ và tương lai, giữa quy tắc và ngoại lệ? Murakami không để chúng ta giải thích điều đó dễ dãi chỉ qua vài câu nói hay câu chuyện tẻ nhạt, mà là sự gắn kết, đan xen của tất cả tình tiết thực và hư, giữa câu chuyện ở quá khứ và hiện tại, giữa quy tắc của xã hội và một phần nhân cách méo mó đều tồn tại ở mỗi con người chúng ta.
Cuối cùng, đời là thực hay mộng tưởng đều là sự lựa chọn của mỗi người.