Ems' Stories

[Us] Chapter 30: Anh trai

Tôi đã không gặp An ba ngày, kể từ nụ hôn đó, không phải của em và tôi, là của nó và em. Bóng tôi mệt mỏi buông xuống vệ đường. Dòng người tấp nập qua lại, từng đợt xe kéo đến như những cơn lũ. Tôi đã đi bộ, trong vô định không biết trong bao lâu. Tôi đi trong vô thức, bàn tay vẫn còn nắm chặt tập hồ sơ du học. Tôi không thể quyết định điều gì trong lúc này. Trái tim tôi trông có vẻ như không còn như cũ nữa. Tôi không chắc nữa, thật ra nó không còn là của tôi lâu rồi. Tôi phải biết điều đó từ giây phút tôi hôn An, vào đêm đó, trong căn phòng đó. Thật lố bịch để mình nhận ra mình yêu một người bằng hình ảnh người đó hôn người khác. Hoặc ít nhất là lúc Khả hôn tôi ở trước cửa tòa nhà tôi đang ở, cũng vào một đêm khác. Tất cả mọi thứ chỉ để chứng minh cho tôi thấy rằng con người thích tìm đến nhau khi màn đêm buông xuống. Đêm tối luôn ẩn chứa quá nhiều bí mật. Đó không phải tất cả các dữ kiện chứng minh rằng tôi đang yêu một người.

Cái ý nghĩ mình đang yêu một ai đó khiến tôi khó chịu. Nó chỉ cho thấy tôi là một sinh vật yếu ớt, nhu nhược và không có quyền lựa chọn. Thay vào đó, tình yêu lựa chọn giúp tôi. Bản thân tôi chẳng thể thay đổi cảm xúc của mình, dù chỉ một chút thôi. Mỗi khi nhìn thấy em, tôi lại thấy mình thích em thêm một chút. Cảm xúc dành cho em lại mạnh mẽ hơn thế. Tôi bắt đầu tìm kiếm cho mình lý do để được ở bên cạnh em. Tôi muốn nói chuyện với em, từ những câu chuyện vớ vẩn đến những thứ sâu thẳm mà tôi cố giấu với hầu hết mọi người. Mỗi ngày trôi qua, tôi không thể tự thuyết phục bản thân rằng mình ổn khi không gặp em. Lo lắng, lẫn hoang mang, và cả giận dữ nữa. Cảm xúc của tôi hỗn độn như thùng rác vậy. Dù tôi biết, thứ tình yêu của tôi trong mắt em có thể ngốc nghếch đến mức độ nào nhưng tôi chẳng thể nào thoát ra được nữa rồi. Ba ngày qua, quá nhiều sự kiện diễn ra nhưng lại quá tĩnh lặng cho phản ứng của những người xung quanh.  An biến mất, chẳng trả lời điện thoại lẫn tin nhắn của tôi; em trai tôi vẫn không nói lời nào sau sự cố đó; Khả thì biệt tăm; còn tôi sống cuộc sống thường nhật như một cỗ máy, và chẳng muốn nói lời nào với thế giới này. Tôi vừa đi, vừa kéo tay áo của mình, vội đốt điếu thuốc rồi nhìn dò dẫm mọi thứ. Tôi không hề có chủ đích đến đây. Chỉ là vô tình thôi, tôi thầm nghĩ. 

**************************************

Ba ngày trước, Văn phòng trị liệu

Người đàn ông đó, tôi không nghĩ mình tìm được điểm nào tích cực trên người ông ta để miêu tả cho người khác thấy rằng “Ông là một chuyên gia tâm lý”. Tôi không có nghĩa vụ phải đến đây, và ông ta không có quyền yêu cầu gì để đòi hỏi tôi đến đây. Tất nhiên, người đủ quyền lực như thế chẳng bao giờ ngồi trước mặt tôi và ra lệnh. Mẹ chỉ cần nhỏ một vài giọt nước mắt thì tôi buộc phải có mặt ở đây. Khỉ thật, bà luôn có thứ mình muốn chỉ bằng vài giọt nước mắt. Và tôi rất…à không…cực kỳ không hài lòng với hành động này của mình. Và của mẹ tôi nữa. 

“Con không muốn đến đây.” Tôi mất kiên nhẫn khi nghe tiếng kêu tích tắc của đồng hồ trên tường. Chúng làm tôi nghĩ đến chi phí của một phút trị liệu là bao nhiêu tiền. Điều đó làm tôi bắt đầu cựa quậy trong cái ghế sô pha một cách khó chịu. Có lẽ tôi tập trung đầu óc vào việc một giây ngồi đây của tôi, người đối diện sẽ được trả bao nhiêu tiền. 

“Chỉ là một quy trình của việc trị liệu thôi.” Người đàn ông đối diện nhìn tôi soi mói qua cặp kính dày cộm. Tôi chỉ đang tự hỏi tháng này ông ta đã đi xét nghiệm lượng đường trong máu của mình chưa, hay chỉ số huyết áp chẳng hạn. Hay ông ta có bị cận thật không? Hay cặp kính chỉ là trang sức thôi? Vì những thứ tôi sắp nói với ông ta có vẻ không được dễ chịu cho lắm.

“Cháu dạo này như thế nào rồi?” Giọng Hà Nội gốc của ông nghe có vẻ dễ chịu, ít nhất với tôi lúc này. 

“Con khỏe.” 

“Tốt.” Ông ta khẳng định. “Vậy còn em trai con?” Ông lại hỏi tiếp. Mọi thứ dường như quá dễ đoán với ông. Tôi đang thắc mắc đây là công việc của một nhà trị liệu hay sao? Giao tiếp từ người này đến người kia, hỏi về vấn đề của họ, đặt lịch hẹn, rồi lại tiếp tục hỏi và tiếp tục trả lời, ghi chép, và mọi thứ lại tiếp tục diễn ra như một dòng lặp vô tận. Một phần tôi tin rằng ông có thể giúp một vài người thoát khỏi bẫy cảm xúc (tôi cho là vậy) nhưng một phần khác thì tôi lại không tin ông giúp gì được cho mình cả. Mọi vấn đề trên đời này xuất phát từ hai chữ thôi “niềm tin”. 

“Nó vẫn ổn.” Tôi thở dài.

“Ổn ở mức độ nào? Theo đánh giá của con.”

“Nó vẫn sinh hoạt bình thường, đi học đều, đọc sách, vẽ vời, thậm chí nó còn tập thể thao.” Tôi bình thản nói, hai tay dang rộng trên ghế một cách thoải mái.

“Tinh thần của em trai con vẫn ổn định khi tham gia những hoạt động thường ngày?” Ông ta nên học lại cách đặt câu hỏi, tôi không biết ông ta đang đặt câu hỏi hay câu hỏi tu từ.

“Đôi lúc con cảm thấy nó ổn hơn con nữa kìa.” Tôi nheo mắt nhìn tấm bằng ở phía sau lưng ông. Trống rỗng và vô cảm chỉ để kiềm chế sự phán xét của chính mình.

“Nếu em có dấu hiệu trầm trong khoảng thời gian sáu tháng tới, con cần liên hệ với chú gấp. Vì em con đột ngột dừng thuốc.” 

“Dạ được.” Tôi ậm ừ cho qua. Với tôi, nó sẽ có những ngày bình thường và những ngày tồi tệ. Và những ngày tồi tệ nhất là lúc nó ngủ vùi gần mười tám tiếng một ngày chỉ vì những viên thuốc đó. Tôi không muốn nhắc về chúng, vì với tôi, chúng gây ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí. Buổi tối nó uống thuốc, chắc chắn sáng hôm sau, ba mẹ và bản thân tôi sẽ giống như ngồi trên đống lửa. Cửa phòng khóa kín, không còn chút biểu hiện của sự sống. Điều đó làm tôi kinh hãi. Tôi không nhớ rõ ràng mọi thứ nhưng tôi nhớ mình luôn ở trong tâm thế chỉ còn lại một mình. Và chưa bao giờ có ai đó thật sự quan tâm đến nỗi sợ của tôi. 

“Còn gì nữa không?” Tôi hỏi tiếp, không khí giữa chúng tôi căng như dây đàn, chẳng vì điều gì cả. 

“Con nghĩ sao về tình trạng của em mình?” Ông hỏi. 

“Chú có thể hỏi về tình trạng của con khi ở gần nó mà?” Tôi đảo mắt nhìn ông đầy vẻ chán ghét. 

“Con có muốn nói về điều đó không?” Ông ta ngắt lời đầy vẻ khó chịu. Trong sách hẳn là có hướng dẫn ông cách đối phó với những thân chủ như tôi. Nhưng tôi đâu phải là thân chủ của ông, người nhà của thân chủ, ông phải là người xác định rõ nhất điều đó nhỉ? Nhưng trong trị liệu hệ thống, thì tôi là đối tượng chăng? Mẹ, cái việc đọc bông để giết thời gian làm cho bản thân hoang mang kinh khủng. Tôi chưa bao giờ hứng thú với môn khoa học chứa quá nhiều chữ, và những thứ khó kiểm chứng như thế. Việc mình hoàn toàn mù tịt một vấn đề nào đó vẫn dễ chịu hơn việc chỉ biết mập mờ về nó, nó giống y như việc nhìn lên vầng trăng và tự vẽ đủ thứ lên phần tối còn lại của mặt trăng. Thậm chí người ta còn có thể xây một cung điện lên trên đó nữa kìa.

“Không.” Tôi cười nhằm xoa dịu bầu không khí rồi nói tiếp: “Nếu nó có thay đổi gì bất thường, con sẽ nói cho chú biết đầu tiên. Hơn ai hết, con biết nó là người quan trọng nhất với mình.” Ông nhìn tôi không chớp mắt. Rồi trống rỗng. 

“Nếu chú muốn biết cảm giác của con như thế nào khi nghĩ về chuyện đó. Con chỉ nhớ bản thân mình hiểu nhân vật Naoko trong Rừng Nauy một cách kỳ lạ. Cảm giác con sẽ phải là người đầu tiên mở cửa phòng, và thông báo với ba mẹ con là nó không còn ở đó nữa. Con sợ kinh khủng và hình như không ai quan tâm đến điều con đang sợ cả.” Tôi nói tiếp: “Chỉ là dạo gần đây, con không còn có cảm giác đó nữa.”

“Vậy cảm giác của con là gì?” 

“Con thấy tự tin về nó, về bản thân mình.” 

“Điều gì làm con cảm thấy như vậy?” Ông ta đang phỏng vấn tội phạm sao? 

“Nó là một thằng rất thông minh, nếu nó muốn chết thì chẳng ai cản được. Đôi lúc, tất cả những điều mình có thể làm chỉ là chấp nhận thực tế như nó vốn thế.”

“Con rất trưởng thành so với tuổi của mình.” Ông ta bắt đầu khen ngợi tôi. Đôi môi tôi vẽ lên nụ cười rất khác. 

“Con chọn vẻ ngoài mà người khác muốn nhìn thấy. Dù sao con biết chú cũng nói chuyện với mẹ con, dù con không chắc chú có ranh giới đạo đức nghề nghiệp hay không. Nên con đang giữ thể diện cho đôi bên.” Tôi biết cái cảm giác ông ta dành cho mình, tôi cũng chẳng quan tâm mấy đến điều đó. Tôi đã không thích ông ta từ lần gặp mặt đầu tiên. “Nhân tiện, Rừng Nauy là cuốn tiểu thuyết đang nổi của giới trẻ hiện giờ.” Tôi đứng dậy bỏ về ngay khi kết thúc câu nói. Thứ duy nhất tôi nhận thấy là đôi mắt soi mói của thư ký của ông ta, trợn tròn và tò mò khi nghe tiếng đóng sầm cửa. Sự giận dữ đang trào lên trong lồng ngực như dung nham của ngọn núi lửa. Nó cuộn trào và chuẩn bị cuốn đi hết lý trí của tôi.

Đã lâu rồi tôi không giận dữ như thế. Tôi đang rít một hơi thuốc dài, đôi mắt nhắm nghiền tận hưởng bầu không khí xung quanh sau khi trút bỏ gánh nặng. Làm sao tôi có thể căm ghét ông ta đến như vậy? Với tư cách một con người, tôi ghét cay ghét đắng ông ta. Nhưng với tư cách là một nhà trị liệu thì tôi có phần khâm phục ông ta bởi vì sức chịu đựng phi thường của ông dành cho hai anh em chúng tôi. Không ai quan tâm đến nỗi sợ của tôi, tấc cả chỉ là xoay quanh căn bệnh trầm cảm mạn tính của em tôi. Luôn luôn như thế. Tiếng chuông điện thoại vang lên như là một dấu hiệu cho sự nguy hiểm, là mẹ tôi. Đúng người, đúng thời điểm. 

“Con nghe nè mẹ.” Tôi cố kiềm giọng nói của mình một cách bình tĩnh nhất, có thể.

“Có điều gì con muốn nói với mẹ không?” Giọng bà dịu dàng đến đáng sợ. Bầu trời trước cơn bão thường rất trong xanh, nước thường rút rất sâu trước cơn sóng thần. Tôi rít một hơi thuốc nhưng chưa kịp trả lời. “Con đang hút thuốc phải không?” 

“Làm sao mẹ biết được?” Không có điều gì có thể qua mặt bà dù là một chuyện nhỏ nhặt nhất. Cha tôi chưa bao giờ hút thuốc, nhưng ông của tôi là một cái ống khói, ông đốt thuốc mỗi khi căng thẳng hoặc đang tập trung làm một việc gì đó. Còn tôi hoàn toàn không biết được tại sao mình lại thích hút thuốc đến vậy. 

“Con chỉ đang lo lắng phải không?” Giọng bà có vẻ dịu hẳn.

“Con đâu có lo gì đâu. Con chỉ nói sự thật với nhà trị liệu.” Giọng tôi có vẻ mỉa mai

“Con lo cho em trai con thôi.” Bà khẳng định chắc nịch, không một chút nghi ngờ rồi nói tiếp: “Con bắt đầu hút thuốc từ năm con mười bốn tuổi, từ lần cả nhà đưa em con vào viện.” 

“Làm gì có!” Tôi cười phá lên. 

“Với khả năng ngoại giao tuyệt vời đến độ kỳ lạ, con đã xin được hai điếu thuốc lá của ông bác sĩ già nào đó, con còn nhớ không?” Mẹ tôi cười khúc khích: “Chúng tôi cùng cười lên, và một khoảng lặng kéo dài như thể vô tận. Rồi mẹ tôi nói tiếp: “Con nghe nè, nếu em còn dừng trị liệu hoặc dừng thuốc, đó là lựa chọn của em, chúng ta không thể làm gì được hết. Mẹ biết là từ nhỏ đến lớn con luôn là người trông chừng nó, nhưng còn cuộc đời của mình ở phía trước.” Bà thở dài. Tiếng thở dài thường trực của bà, nửa chấp nhận nửa bất lực. Tôi không nghĩ ai đó sẽ nhìn thấy nỗi hoang mang lơ lửng trước mắt của tôi. 

“Con tưởng mẹ sẽ la con vì chuyện của bác sĩ đó.” 

“Làm trị liệu mà để một thằng nhóc như con “lên lớp” như vậy thì ông ta cần coi lại mình.” Bà cười khẩy. Tôi chưa bao giờ đoán được hành động của mẹ mình, luôn luôn như vậy. “Hai đứa con chứng minh một điều rằng trị liệu phương Tây không cứu được người phương Đông.” Tôi cố tưởng tượng gương mặt của mẹ, nhưng khó quá. Chúng tôi cùng cười lớn. Tính cách có phần kỳ lạ của bà gần như truyền lại cho em tôi, còn tất cả những gì tôi có từ bà chỉ là… tôi không biết mình có đặc điểm gì giống bà, nhưng tôi rất thích nói chuyện với mẹ mình, đặc biệt lúc tôi lạc lối nhất. 

“Nhân lúc rảnh rỗi, con nên tính đến tương lai của mình đi.” Và bà lại làm tôi không thấy đường về. 

“Con không thể ở lại Việt Nam à?” 

“Nếu con ở lại Việt Nam, con sẽ làm ăn mày ngoài đường. Sớm thôi.” Bà nói xong rồi cúp máy. Rõ ràng mẹ tôi không có kiên nhẫn với tôi chút nào. Tôi nắm chặt điện thoại trong tay, cười thầm. Làm sao lại bắt một đứa mới mười tám lựa chọn con đường sự nghiệp như thế? Tôi không biết tương lai của mình ra sao cả. Mỗi khi đến giảng đường, tôi chỉ thấy được một khoảng dày đặc được bao quanh bởi bóng tối. Thỉnh thoảng trong khoảng không đó tôi nghe thấy vài âm thanh kỳ dị, tiếng cười nói xen lẫn với tiếng rên rỉ. Tôi ước mình thấy điều gì rõ ràng hơn thế, nhưng chỉ có khoảng trống đó và tôi. Tất cả chỉ có thể kết luận rằng tôi không chỉ mơ hồ, lạc lối, hoang mang, thỉnh thoảng kèm chút hoảng sợ khi nhận ra mình còn cả đoạn đường dài phía trước. Nhưng thứ đó chẳng đáng là gì so với chuyện tôi nhận ra, mình và khoảng trống ấy là một. 

********************************

“Sao mày lại ngồi đây?” Khả đặt tay lên vai tôi, bóp nhẹ như thay lời an ủi.

Tôi giật phắt mình khi nhìn thấy Khả. Từ nụ hôn đêm đó, tôi chưa có dịp nào nói chuyện riêng với cô. Thỉnh thoảng tôi gặp cô trong lớp học, có vài môn học chúng tôi chung nhóm. Nhưng ngoài những thứ đó, chúng tôi gần như tránh mặt nhau. Thậm chí trong một vài khoảnh khắc tôi còn nghĩ rằng Khả sẽ không bao giờ nói chuyện với tôi nữa. Tuy tôi không thích Khả theo kiểu tình cảm nam nữ, nhưng việc không làm bạn với cô sẽ khiến tôi hối tiếc. Tôi sẽ yêu một ai đó, chỉ là không phải là Khả, ngay từ giây phút đầu tiên tôi gặp cô. Dù đôi lúc, vẻ đẹp của cô khiến tôi khó rời mắt.  

“Tao tưởng mày sẽ không nói chuyện với tao nữa.” Tôi ngước lên, miệng vẫn còn ngậm điếu thuốc đang cháy dở. Khả đặt tay lên vai tôi như một điểm tựa để ngồi xuống. Trông cô khang khác trong bộ váy trắng dài đến gót chân. 

“Còn điếu nào không?” Khả hỏi. 

“Mày trông thướt tha như vậy mà hút thuốc thì người ra bàn tán chết.” Tôi vừa nói vừa châm thuốc cho cô. Khả hiếm khi mặc váy trừ những dịp trang trọng. Chỉ là tôi đang tự hỏi, dịp nào mới là dịp trang trọng với Khả?

“Nhìn tao xem có giống cái thể loại có quan tâm người khác không?” Khả sặc cười theo khói thuốc. 

“Hôm nay nhìn cũng giống lắm.” Tôi lắc đầu. Tôi lại vô tình thích cái kiểu nói chuyện như thế của Khả, tự nhiên và không gượng ép. Cô không phản ứng lại lời của tôi. Cô chỉ ngồi đó, đôi chân duỗi thẳng, nhìn bâng quơ giữa dòng người qua lại. Thật khó để đoán cô đang nghĩ gì. Vài cái đầu lọc nằm trên đường thay cho khoảng im lặng của chúng tôi. 

“Tao đang cố gắng chấp nhận rằng mày không thích tao.” Khả nhìn tôi cười. Nụ cười sảng khoái đến lạ lùng. “Thật khó chấp nhận rằng tao đang yêu mày.” 

“Tao hiểu.” Tôi lí nhí đáp lại lời cô. 

“Làm sao mày có thể hiểu được?” Đó không hẳn là một câu hỏi, chỉ là một câu hỏi không cần câu trả lời.

“Làm sao mà không hiểu được trong khi tao cũng đang yêu một người khác?” Tôi thừa nhận. 

“Chuyện đó thì tao biết trước khi mày nhận ra nữa.”

“Mẹ, tao dễ đoán vậy sao?” Tôi đưa bàn tay đang cầm điếu thuốc dụi mắt, Khả quay sang tôi với cái nhìn đầy vẻ cao ngạo. “Tao vừa đánh nhau với thằng em.” Tôi nói với vẻ khó chịu của một người phải giữ một bí mật quá lâu. Thật nhẹ nhàng khi được nói ra. Khả mở to mắt đầy kinh ngạc. Tôi đưa tay chỉ vào vết rách trên mu bàn tay. Đã lâu rồi tôi không đánh ai như cái cách tôi đánh nó. Tất nhiên nó cũng chẳng bị thương gì quá nặng ngoại trừ vết rách trên môi.

“Tại sao lại đánh nhau?” Cô hỏi, đôi mắt lộ vẻ tò mò. 

“Tao bắt gặp nó hôn An, ở ngoài đường.” Tôi giả vờ bình thản nói. Hình ảnh đó lặp lại trong đầu tôi như thể là một thước phim cũ, dù tôi chỉ là khán giả bất đắc dĩ. Khả lắc đầu rồi cười khúc khích. Gò má cô ửng hồng dưới ánh sáng của đèn đường. Tiếng cười của cô tan đi cùng tiếng xe cộ qua lại. Thế nhưng, sự hào hứng trong tiếng cười của cô lại không thể lẫn đi đâu được. Nó khiến tôi bật cười. Nhưng tiếng cười của Khả không có dấu hiệu dừng lại:

“Mày đánh nó vì nó hôn An hay vì nó hôn ở ngoài đường vậy?” Cô vừa hỏi vừa cười, chắc là cô thấy chuyện này hài hước.

“Im đi.” Tôi cười lớn. Mọi thứ có thể dễ dàng như thế sao, nếu ta là một kẻ đứng ngoài cuộc. 

“Tại sao ai cũng thích con An vậy?” Khả châm điếu thuốc khác sau khi im lặng hồi lâu. “Cái vòng tròn tình yêu này chật quá rồi, nó không có chỗ tao nữa rồi.” Cô thở dài, co chân về tư thế ngồi co ro, chiếc váy dài phủ trên người trông như nó đang quấn một tấm khăn quanh người. “Thật khó để làm bạn với người mình yêu phải không?” Câu nói bâng quơ truyền trong không khí. Khó có thể phủ nhận rằng chỉ có Khả mới có thể xoa dịu mọi thứ, dù cuộc sống của Khả không hề dễ dàng tí nào.

“Tao tưởng mày có đủ bạn rồi.” Tôi cười khanh khách. Lâu lắm rồi, tôi mới có lại cảm giác này. Tôi chẳng cần nói quá nhiều về cảm xúc của mình. Chỉ cần ngồi đó, một người bạn, vài điếu thuốc và con đường mù mịt khói xe. Điều đó đã quá đủ cho tôi nhìn thấy con đường phía trước. Khả tựa đầu vào vai tôi, im lặng nhìn con đường ồn ã tiếng còi xe. Tôi sẽ nhớ nơi này lắm nếu rời đi. 

********************************

Tiếng chuông điện thoại tưởng chừng như kéo dài đến vô tận. An gần như tránh mặt tôi. Em chẳng đến lớp, cũng chẳng đến tiệm sách yêu thích nữa, con đường quen thuộc cũng chỉ có mình tôi. Tôi đứng ở cổng trường hàng giờ đến khi sân trường chẳng còn một bóng người. Con đường dẫn đến trường đại học của chúng tôi vẫn tấp nập người qua lại. Cái nóng hanh người, bầu trời trong vắt. Mọi thứ vẫn diễn ra như ngày thường nhưng An dường như bốc hơi khỏi nơi này. Tôi tiếp tục bước, cố tìm cho mình mục tiêu để hướng về phía trước. Tôi vô tình bước đến khu phố, gần khu nhà anh Vinh – căn phòng tôi vẫn chưa trả lại chìa khóa, tôi có thể ghé qua một chút, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi, dù sao tôi không muốn gặp mặt em trai mình sau những chuyện đã xảy ra. Đây không phải là lần đầu tiên tôi và nó đánh nhau. Từ nhỏ đến lớn, rất nhiều lần sứt đầu mẻ trán vì những nguyên nhân trẻ con nào đó. Nhưng đánh nhau vì một đứa con gái thì đây là lần đầu tiên. Cảm giác giận dữ vẫn còn nóng rẫy khi tôi nhớ lại hình ảnh đó. 

Hai giờ chiều, khu phố nhỏ bỗng trở nên nhộn nhịp. Nhà của anh tôi nằm trong khu chung cư cũ, có phần đìu hiu, và vắng vẻ. Nhưng lại là chỗ tụ tập của những quán ăn, những ông già đang ghim mình vào những bàn cờ tướng, thỉnh thoảng trẻ con rượt đuổi nhau, những quán tạp hóa cùng những bà nội trợ lấp ló bàn tán về những người khách vãng lai đang qua lại. Nằm chễm chệ giữa con hẻm với những ngôi nhà cấp bốn san sát nhau là tiệm tạp hóa “Bà Tám”, tôi rẽ vào định mua gói thuốc – nơi tôi thường xuyên ghé vào mua thuốc lá. Bà chủ là một người phụ nữ trung niên độ khoảng sáu mươi, tay phe phẩy quạt, cùng những bộ đồ bà ba đủ màu theo đúng kiểu miền Tây, nhưng bà lại nói giọng chuẩn Sài Gòn. Bà đưa tôi gói thuốc, tôi mỉm cười đợi lấy tiền thừa.

“Con còn trẻ mà sao hút thuốc nhiều vậy?” Tôi chợt nhận ra cái tên của tiệm hoàn toàn phù hợp với không khí ở đây. Tọc mạch và phán xét người khác. Tôi ngoác miệng cười khi bà hỏi vậy. 

“Con hút nhiều thì tiệm của cô mới bán được nhiều thuốc đó.”

“Mày giỡn với cô hoài.” Bà cười đưa tiền thừa cho tôi rồi nói tiếp: “Mày đẹp trai vậy có bạn gái chưa?” 

“Cô hỏi chi vậy?” Tôi lắc đầu rồi lấy cái bật lửa được bà cột vào tủ thuốc bằng một sợi dây gân dài. Sài Gòn này nhiễu nhương đến nỗi người ta chẳng thể tin được gì ở người khác. 

“Cô có đứa cháu ngoại, xinh gái lắm, hay cô giới thiệu nó cho mày?” Bà hồ hởi phe phẩy cái quạt trông rất buồn cười. Tôi thoáng giật mình khi thấy chiếc xe đạp của An đang dựng ở phía đối diện. Một quán cà phê chắc hẳn khai trương chưa được bao lâu.

“Vậy cũng được, làm cháu rể của cô con được hút thuốc miễn phí rồi.” Tôi vừa nói vừa cười. Tôi cười chào bà, vẫn bỏ ngỏ cái đề nghị làm “cháu rể” mặc cho tiếng xì xầm bình luận phía sau. Tôi bước vào quán cà phê nhưng vẫn không quên quay đầu nhìn lại chiếc xe đạp cũ kỹ của em. Tôi nhìn chiếc xe đạp rồi thở dài, thế giới của em sao mà bình yên đến thế?

Dáng An ngồi quay lưng ra phía cửa, tôi đứng đó tần ngần vài phút trước khi đến quầy thu ngân để gọi nước. Tôi bất chợt nhận ra em đang ngồi đối diện với người yêu cũ. Xung quanh tiếng cười nói rôm rả khiến tôi không nghe rõ giọng nói của ai, tất cả các âm thanh trộn lẫn vào nhau thành một mớ hỗn độn và xấu xí. Tôi thích cách trang trí của quán, tất cả đều vẽ nên nét hoài cổ của thập niên 90, chỉ là tôi không thích con người ở đây. Họ không khác những người ở khu phố ngoài kia là mấy, dù là những người trẻ, ồn ào và khiếm nhã. Tôi gục mặt thở dài khi cô thu ngân nhìn tôi cười mỉm, lúm đồng tiền trên má cô khiến cô trông rất nổi bật:

“Ở đây không khuyến khích hút thuốc, mong anh thông cảm.”

“Xin lỗi.” Tôi ậm ừ cho có lệ rồi dụi tàn thuốc trong cái gạt tàn được đặt trước quầy thu ngân. Quán cà phê cấm hút thuốc nhưng vẫn có gạt tàn dành cho khách. Vô lý nhỉ. Tôi quay đầu nhìn lại bóng lưng em. Tôi đảo mắt nhìn mọi thứ xung quanh đầy mệt mỏi. 

Tôi bước đến, đặt tay lên vai An, miệng nở nụ cười mỉm với người đối diện em. Cậu ta chẳng có phản ứng gì đặc biệt, chỉ khẽ gật đầu chào tôi, môi cong lên như cố vẽ thành một nụ cười, nhưng gượng gạo. Cậu ta chào em rồi quay về thế giới của mình. An ngồi đó, thẫn thờ nhìn theo nhưng vẫn cố tỏ ra bình thản. Vẻ ngoài bình thản của em khiến mày của em nhíu lại một cách khó hiểu. An chỉ cười nhẹ khi nhìn thấy tôi.

“Là anh à?” Tôi lại không thích giọng điệu của em lúc này. Xa cách, lạnh lùng.

“Thất vọng lắm sao?” Đây không phải là giọng điệu của một người đang nhớ nhung ai đó. Nụ hôn đó không là gì cả, nhưng nó khiến nỗi ghen tức và khó chịu khi tua lại hình ảnh ấy trong đầu.

“Em thấy tin nhắn, em cũng thấy cuộc gọi của anh. Chỉ là em không muốn trả lời anh.” An nhún vai, rồi đôi mắt ghim chặt vào tôi, đầy khiêu khích. Không ai trong đời có thể chơi đùa với cảm xúc của tôi như thế. Tôi chỉ im lặng nhìn em như thể đang xem một bức tranh trắng đen ở một trung tâm triển lãm nào đó. Tôi ậm ừ cho qua. 

“Em có thích nó không?” Tôi hỏi.

“Không, anh đã thấy à?” Em nhún vai, tay em sờ lên gáy sách một cách ngượng ngùng. Tôi nhìn em thay cho câu trả lời.

“Em quá mệt mỏi với những câu trả lời về việc em thích ai, em yêu ai, em ghét ai. Tất cả những thứ đó không quan trọng với em bằng việc em đã bị tổn thương, theo nhiều cách, đến nỗi em chẳng còn cảm thấy điều gì hết. Và em thấy mình không có lý do gì phải phản hồi với người khác về những gì em đang phải trải qua cả.” An nhìn thẳng vào mắt tôi, một khoảng trống giữa đôi mắt đó và thế giới bên ngoài. Em thở dài, đôi mắt nhắm nghiền rồi mở to, như thể em đang ở trong khung hình được quay chậm, rồi nói tiếp: “Tất cả những gì đã xảy ra khiến em nghĩ tới anh, chỉ vậy thôi.” Nói xong, An cúi xuống chăm chú vào quyển sách như thể mọi thứ xung quanh đều biến mất.                                                       

Tất cả những gì tôi có thể làm là nghĩ về cuộc đời mình phía trước, rằng có ai đó mang cùng nỗi cô đơn mà tôi đang trải qua, than thở những thứ mà tôi muốn thét lên… Cuối cùng, chẳng có điều gì quan trọng ngay khoảnh khắc này, em ngồi đó, đối diện tôi, thật sự đang sống trong thế giới của mình, mặc cho cái thế giới vô cảm ngoài kia. Bất giác, tôi lên tiếng  hỏi:

“Cho anh mượn một quyển sách được không?” Tôi chỉ tay vào chồng sách bên cạnh em. 

“Quyển nào?” 

“Quyển nào cũng được.” Chẳng có gì ngoài kia cả, chỉ có tôi và em, trôi nổi, bồng bềnh để cố tồn tại trong khoảng trống trước mắt. Tôi nghĩ, chỉ cần em ở đó, tôi tin là tôi sẽ sống sót. Ngày bắt đầu tàn theo bóng mặt trời khuất về phía Tây của thành phố.                                         

Share this post

Leave a Reply

Your email address will not be published.