“If you were the trouble, that would be utterly beautiful trouble.”
Tôi được sinh ra không chỉ một mình, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi có một người anh sinh đôi, ra đời trước tôi vài phút. Không, chính xác là ba phút, mẹ tôi kể vậy. Tôi không cảm thấy bản thân mình có gì đặc biệt cho đến khi chúng tôi đến tuổi phải đi học, tôi luôn bị gọi bằng cái tên của nó – anh trai song sinh của mình. Dù cái tên chỉ khác tên đệm, nhưng điều này luôn khiến tôi hoang mang đến dậy thì.
Nếu ai đó hỏi lợi ích của việc có anh em sinh đôi là gì, tôi chỉ có thể trả lời – chỉ một lợi ích duy nhất rằng: chúng tôi có thể đổi chỗ cho nhau vào những kỳ thi, cho đến khi lên phổ thông, khi phải học chung một lớp thì cái lợi ích duy nhất đó bỗng nhiên biến mất. Còn nói đến bất lợi thì nhiều đến nỗi tôi không nhớ hết. Tôi chỉ biết rằng trên đời này chẳng có đứa nào sinh ra cần anh chị cả. Loài người là một loài vị kỷ, vị kỷ đến từng đặc tính trên gen của mình. Đó có vẻ là cách khả dĩ nhất để duy trì nòi giống. Nhưng việc sinh đôi, theo tôi, đó là một cách để giống nòi này đi đến con đường tuyệt chủng nhanh nhất, còn như thế nào thì tôi không biết, thử hỏi Darwin xem?
Tôi không sinh ra để chia sẻ mọi thứ. Nhưng tôi không được làm khác: mọi thứ từ bầu sữa mẹ đến đồ chơi, phòng ngủ, sở thích, kể cả ngoại hình luôn làm người khác bối rối khi phải phân biệt hai đứa…Đó chưa phải là bất lợi duy nhất. Sinh nhật năm 3 tuổi, nó ném nguyên cái bánh kem vào mặt tôi chỉ vì lỡ thổi nến trước nó; thế là buổi tiệc thành ra bãi chiến trường của hai anh em còn ba mẹ tôi thì cười khẩy. Sinh nhật năm 18 tuổi thì tôi ném cái mặt nó vào bánh kem vì dám tán tỉnh bạn gái tôi ngay trong bữa tiệc. Sau trận chiến oanh liệt ấy, tôi mới nhận ra là cô bạn gái ấy không hề phân biệt được đâu là tôi, đâu là nó. Mối tình đầu đi tong chỉ vì bạn có một bản sao bên mình. Còn mẹ tôi thì được một trận cười đã đời vì “Cả ba với mẹ còn không nhận ra huống chi bạn gái con”.
Đánh nhau như thế, chúng tôi là một phần không thể thiếu của nhau, nhưng chắc chắn là tôi không ưa gì nó. Năm 14 tuổi, tôi tìm cách rạch cổ tay mình bằng dao lam, nó là người duy nhất biết chuyện đó và chỉ im lặng. Đến một ngày, tôi cũng phát hiện nó dùng điếu thuốc tự châm vào bắp tay của mình. Tôi hỏi nó:
“Tại sao mày làm vậy?” Nó chỉ nhìn tôi im lặng rồi hỏi:
“Vậy mày chảy máu có đau không?”
“Không.” Tôi trả lời cụt ngủn.
“Vậy tại sao mày làm vậy?” Nó nhìn lên trần nhà.
“Vì tao cảm thấy quá nhiều thứ cùng một lúc. Còn mày?”
“Tao cũng cảm thấy rất nhiều thứ, nhưng tao mặc kệ.” Nó cười. Tôi buông vội cuốn sách trên tay nhìn nó, đang nằm dài trên giường của tôi rồi hỏi tiếp:
“Cái gì khiến mày làm vậy?”
“Tao không muốn mày cảm thấy chỉ có một mình.” Rồi nó thiếp đi. Đôi lúc tôi có thể thấy mình cô đơn, nhưng tôi biết tôi không đơn độc.
Tôi biết ơn tất cả mọi thứ nó làm cho tôi, kể cả việc giám sát tôi 24/7, nhưng trừ việc nó đem theo một cô gái bước vào cuộc sống của tôi. Tôi chưa thật sự biết thích hay yêu một người nào đó, chỉ đơn giản là tôi không nghĩ trên đời có một người thứ hai có thể hiểu được những thứ tôi đang trải qua. Trừ em. Em ngồi trước cửa nhà tôi, mắt rơm rớm nước. Tôi vẫn không tin một trái tim vụn vỡ có thể chữa lành khiếm khuyết trong tôi. Phép thuật cũng có giới hạn của nó!