Tôi ngồi đây, giữa bọn nhóc ở cùng khu, hầu hết chúng đều học lớp 10, 11 – cái tuổi học thì ít mà ẩm ương thì nhiều. Tôi ngồi rít thuốc lá trong khi chúng đang bàn tán về bọn con gái trong lớp, hoặc thỉnh thoảng là cái game online nào đó mà chúng hay trốn học để chơi cùng. Một vài thằng trong số đó vẫn hay trốn học và mượn nhà của chúng tôi để cày game. Tất nhiên, thứ chúng nó còn là thời gian mà, ngại gì mà không phí. Đầu óc tôi bỗng nhớ đến hình ảnh cô gái ngồi khóc giữa trung tâm ăn uống gần trường. Tôi thấy lạ khi mình bắt đầu quan tâm đến sự tồn tại của cô.
Sáng nay, tôi chưa kịp ăn uống đã phải đến trường để dự buổi hướng nghiệp nhảm nhí ấy. Sát bên trường tôi có một trung tâm ăn uống, tôi chỉ ghé đó tìm miếng gì bỏ vào bụng và ly cà phê. Tôi biết, nếu không có cà phê tôi sẽ không thể tỉnh táo nỗi. Tôi đứng đợi trong khi phục vụ pha cà phê thì ánh mắt tôi chạm vào cô. Cô ngồi một góc, miệng đang nhai dở bánh mì, cùng ly cà phê đen đã vơi đi một nửa. Gương mặt cô không có gì đặc biệt, da không trắng sáng như những cô gái tôi từng gặp, nhưng đôi mắt của cô chiếm trọn ánh nhìn của người khác. Trong veo và ngây thơ, trừ việc cô đang khóc. Tôi không thích nhìn người khác khóc, đặc biệt là phụ nữ. Người phụ nữ tôi yêu quý nhất đến giờ là mẹ tôi cũng ít khi khóc, trừ khi người thân của bà mất. Nhưng tôi biết tại sao bà không khóc trước mặt con cái, vì bà biết tôi sẽ luôn tự đổ cho bản thân có một phần lỗi nào đó khiến bà khóc. Cũng là một lẽ mặc định, tôi luôn nghĩ không có người nào muốn người khác thấy mình khóc. Bà hiểu tôi và tôi cũng hiểu bà. Tôi vẫn không hiểu vì lí do gì mà cô gái đó phải ngồi khóc ở đây, giữa nơi đông nghịt người như thế.
Tôi không quen với những việc như vậy, cho đến khi số phận run rủi để tôi gặp cô lần nữa. Hội trường đáng lý sẽ rất đông sinh viên nhưng tôi nghĩ mình đến nhầm chỗ khi tôi gặp lại cô ngồi đó, với đôi mắt đỏ hoe. Tôi nhìn cô đầy tò mò, định mở miệng hỏi tên cô, nhưng có gì đó ngăn tôi lại. Đáp lại ánh nhìn của tôi, cô mở to đôi mắt nhìn tôi đầy ngạc nhiên, nhưng cô cũng chẳng nói tiếng nào. Rồi một thế lực vô hình nào đó đã vô tình đi ngang qua, cô lại tiếp tục khóc, nhưng không thành tiếng, chỉ là nước mắt bắt đầu xuất hiện ở khóe mắt cô. Tôi đang tự hỏi điều gì đang diễn ra, thì có gì đó bóp nghẹt lồng ngực tôi, điều mà tôi chưa từng trải qua trong đời. Tôi không thích thứ gọi là cảm xúc, vì tôi nghĩ đó là điểm yếu mà người khác dùng để thao túng tôi. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ bị một thứ mơ hồ và không rõ ràng như thế làm chủ, biến bản thân thành một con rối. Có những thứ không thể nào gọi bằng tên được.
Cùng với chút quan tâm mà tôi nghĩ người bình thường sẽ làm, tôi đưa chiếc khăn tay trong túi quần cho cô, rồi quay đi. Tôi nghe loáng thoáng tiếng cô cảm ơn mình, nhưng tôi giả vờ như mình không quan tâm. Sự giả vờ của tôi lên đến đỉnh điểm khi tôi liên tục vẽ cái tổ ong dưới hình dáng của lục giác đều mà không thể nào không nghĩ đến gương mặt của cô. Làm sao gương mặt của con người lại có hình lục giác đều được, nhưng với tôi, gương mặt đó hoàn hảo. Tôi nhớ mình giả vờ bắt chuyện với cô bạn ngồi cạnh chỉ để liếc nhìn cô một cái. Cô mặc cái áo len tăm mỏng manh, để lộ hình dáng xương quai xanh nhỏ nhắn, không quá đặc biệt nhưng về mặt cấu trúc, thì đoạn xương ấy vừa nâng đủ cơ thể cô. Càng lúc tôi càng thấy bản thân mình có vấn đề, tôi để ý quá nhiều đến cấu trúc sinh học của một người, trong khi người đó nên là thằng em suốt ngày ôm khư khư trên tay quyển “Giải phẫu học” mà tôi không biết nó chôm chỉa từ đâu ra.
Tôi im lặng cho đến khi lớp trưởng đến gần xin tên và số điện thoại để điểm danh. Bằng một phép xã giao thông thường tôi có được số của cô. An, cái tên mà suýt nữa cha mẹ tôi đã đặt cho hai anh em tôi, nhưng vì ông bà sợ hai thằng tôi lúc nào cũng sẽ đứng đầu danh sách bị kiểm tra bài cũ. Thật lòng, tôi chẳng thích cái tên của mình hiện tại và cũng không thích cái-tên-suýt-là-của-mình nhưng tôi lại thích cái tên này của cô. Cái tên có nói lên con người không, tôi nghĩ là không. Nhưng chắc chắn phải có một cái gì đó khiến người ta có tên này mà không phải tên kia. Phải có lí do gì đó thì người ta mới gán cho A là B mà không phải là C. Tôi không biết mình đang lầm bầm cái gì khi bấm số gọi cho An. An trả lời tôi sau tiếng chuông thứ ba.
“Là tôi nè!” Tôi nên đọc lại cẩm nang giao tiếp hay cưa cẩm gì đó, mà tụi nhỏ vẫn hay bàn tán với nhau.
“À …mà tôi nào?” Giọng An nghe có vẻ khó chịu, phía bên ngoài vọng ra những âm thanh sinh hoạt của con người, cô đang ở gần một ai đó. Có điều gì đó mách bảo tôi rằng, cô đã có một ai đó cho riêng mình. Thật lòng, tôi muốn tắt máy ngang lập tức, vì rõ ràng cô nói những câu từ mà tôi không hiểu, và tôi cũng chẳng quan tâm cô đang nói gì. Tốt thôi, tôi chấp nhận được điều đó. Lúc tôi cảm thấy nhiều thứ, thì tôi lại bắt đầu cảm thấy mình trống rỗng.
“Không, chỉ để em biết là tôi biết số điện thoại thôi.” Trí óc tôi bắt đầu bừng tỉnh và ý thức được mình đang nói gì. Tôi biết cách để một ai đó nhớ mình lâu nhất. Tôi chần chừ rồi cúp máy. Tôi tưởng mình sẽ thấy nhẹ nhõm, nhưng không, tôi rơi vào một hố sâu khác. Tôi chẳng làm gì khác trong khi tiếp tục đốt thêm vài điếu thuốc. Đến khi tôi giật mình vì có cánh tay xuất hiện trước mặt và giật lấy điếu thuốc của tôi. Là nó, em trai tôi, đang hút lấy hút để điếu thuốc cháy dở của tôi.
“Loại mới hả? Nặng đô nghe!” Nó cười rồi lấy tay vuốt vài sợi tóc ướt sũng trên trán.
“Ừ, mà mày định đi đâu?” Tôi chỉ hỏi cho có lệ.
“Qua nhà bạn gái tao.” Nó trả lời tôi, trong khi nó đang đùa với thằng nhóc ở kế bên nhà rằng tới giờ học bài sao còn ở đây. Tất cả mối quan hệ ở đây chỉ góp phần tô vẽ cho cuộc sống nó bớt xám xịt chút ít thôi.
“Mày có bạn gái hả?” Tôi đốt điếu khác rồi nhìn nó.
“Ít nhất nhìn tao cũng giống người bình thường khác.” Nó nhả một vòng khói tròn trên không khí với vẻ mặt đầy tự hào. Nó luôn là vậy, phớt đời, phớt lờ mọi chuyện chẳng qua chỉ vì đang cảm thấy rất nhiều thứ. Anh em họ của chúng tôi ai cũng nói nó yếu đuối, nhưng không phải ai cũng chấp nhận được bản thân mình yếu đuối giống nó vậy.
“Mày bình thường một cách hoàn hảo.” Tôi nhìn nó cười mỉa, nó vẫy tay bước ra cửa rồi cười.
“Mày thì ngược lại.” Nó nói thế rồi bỏ đi, tôi biết đêm nay nó không về nhà, ai cũng cần có khoảng không gian cho riêng mình, tôi cũng vậy. Dù sao về nhà, thì anh em tôi mỗi đứa cũng ngồi một phòng, tôi chìm trong thế giới của riêng mình, còn nó thì tập trung cho thứ cảm xúc chết tiệt của nó, nhưng tôi biết chắc là nó rất ổn.
“Không rượu.”
“Mày không phải mẹ.” Nó vừa cười lớn vừa la lên.
Tôi ngồi đó hồi lâu rồi về, một mình lang thang trong khu công viên cạnh bờ sông gần nhà, rồi lấy ra điếu thuốc còn lại, ngắm nhìn mặt nước tĩnh lặng. Tôi chẳng biết có gì dưới cái đáy sông tối om và thỉnh thoảng bốc mùi tanh hôi nhưng người Sài Gòn vẫn bám lấy nó mà sống. Cuộc đời này có rất nhiều thứ mâu thuẫn không sao giải thích nổi.
“Đã lỡ quăng cái khăn vô sọt rác.” An nhắn cho tôi cái tin nhắn không đầu không cuối.
Tôi bần thần hồi lâu nhưng vẫn nhắn lại và tự nhủ “chúng tôi là bạn cùng lớp mà”. Tôi luôn biết mình đang nói thật hay nói dối, nhưng hiếm khi nhận ra mình đang tìm cái cớ.
“Không sao, chỉ là sau này đừng khóc nữa.” Tôi bỗng nhớ tới gương mặt An lúc quay đi, phớt lờ mọi thứ xung quanh và tập trung điều gì đó. Chưa bao giờ tôi tò mò về người khác đến vậy, và cái sự tò mò ấy hành hạ tôi. Tôi biết nhưng không thể làm gì khác!